Nhằm phát huy tiềm năng phát triển, khắc phục những tồn tại bất cập của quy hoạch chung mà thành phố đã phê duyệt năm 2006 và trên cơ sở những đánh giá tổng hợp hiện trạng, TP Cần Thơ đã xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 khẳng định tầm quan trọng và vai trò vị thế mới, sớm đưa Cần Thơ trở thành một thành phố xanh, hiện đại...
Theo Chương trình thực hiện Nghị quyết số 59 của Thành ủy Cần Thơ, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đeo đuổi mô hình phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bao gồm: đất, nước, môi trường sống... Khai thác tiềm năng và các đặc điểm tự nhiên vốn có, duy trì đặc trưng đô thị sông nước, hệ sinh thái miệt vườn, bảo tồn văn hóa và dấu ấn di sản. Hệ thống giao thông kết nối vùng bao gồm đường cao tốc, đường thủy cấp quốc gia, đường sắt, sân bay và cảng biển. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chuyên canh đan xen giữa không gian đô thị và nông thôn.
Cần Thơ cũng xây dựng mục tiêu trở thành là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao, tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc. Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Theo Đồ án, cấu trúc cảnh quan được coi như một bộ phận chính của cấu trúc đô thị. Cần Thơ được phát triển thành chuỗi các khu đô thị với bản sắc riêng của từng khu, phát triển một đô thị chất lượng cao, có không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh với quy mô phù hợp. Cấu trúc giao thông đề xuất hệ thống giao thông thủy hỗ trợ cho giao thông bộ. Đầu tư cho giao thông đường thủy có thể tận dụng mạng lưới nước, gắn kết các trục dân sinh của đô thị và nông thôn.
Hình thành hệ thống giao thông đô thị bao gồm các trục chính đô thị là “trục xương sống” quốc lộ 91, các trục ngang vuông góc với sông Hậu, đặc biệt các trục giao thông thủy kết nối các khu đô thị với sông Hậu và vùng phía Tây. Qua đó, tạo một “trục xương sống” không chỉ là cấu trúc lưu thông chính, trục kết nối và phân phối giao thông của thành phố, mà còn là một cấu trúc cảnh quan đô thị. Trục này kết hợp hạ tầng giao thông, các khu giải trí, nền xây dựng cho các công trình công cộng cấp vùng và thành phố, hệ thống thoát nước và chống ngập úng, tạo nên cảnh quan đẹp.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất hình thành một công viên sông Hậu rộng lớn cấp thành phố, cấp vùng bao gồm: các khu vực cây xanh, cảnh quan, sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao và các khu vực công cộng. Đề xuất tôn tạo cảnh quan các nhánh sông vuông góc của sông Hậu (sông Bình Thủy, Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt) là nét bản sắc đặc trưng quan trọng của Cần Thơ. Những nhánh sông và các kênh chính này kết nối vùng cảnh quan nông thôn phía Nam với sông Hậu, và là yếu tố quan trọng trong việc cấu trúc lại lãnh thổ. Các vị trí chiến lược dọc các đường thủy là nơi bố trí các công trình công cộng trong các khu vực nông thôn và cung cấp một nhịp điệu của cuộc sống dọc 2 bên sông – liên kết vùng nông thôn và thành thị của Cần Thơ...
Cần Thơ cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GRDP đạt mức từ 7,5 - 8%/năm, giai đoạn 2025-2030 tăng trưởng đạt mức từ 7 - 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt từ 9.400 đến 11.000 USD. Tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng từ 45 - 50%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 85 - 90%, về cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%...
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Thành ủy Cần Thơ đã triển khai 10 nội dung và giải pháp như: Đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghị quyết; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; thát triển cơ cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Thành phố thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và cả vùng; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch và thể thao của vùng...
Bích Thủy