Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, hiện tỉnh Cần Thơ có trên 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mỗi năm đóng góp lớn vào ngân sách thành phố; góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại TP Cần Thơ và các địa phương lân cận và cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

W-doanh-nghiep-thuy-san-1.jpg
Sở Công Thương Cần Thơ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, UBND thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thuế, lãi suất ngân hàng và việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách tháo gỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp được thành phố triển khai cùng nhiều chính sách kích cầu, đã góp phần giúp sản xuất kinh doanh dần phục hồi, chuyển từ trạng thái thích ứng sang phát triển ổn định hơn, hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện còn một số khó khăn và vướng mắc mà các doanh nghiệp cần được thành phố quan tâm, hỗ trợ và tháo gỡ, đó là việc giảm lãi suất ngân hàng để có thể vay vốn nhiều hơn nhằm duy trì hoạt động sản xuất; được gia hạn nợ bảo hiểm xã hội; hỗ trợ giảm tần suất thanh kiểm tra để doanh nghiệp có thể tập trung vào phát triển hoạt động kinh tế; hỗ trợ thủ tục giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và các chứng nhận cần thiết để sản phẩm được tiếp cận thị trường một cách dễ dàng;… 

Trước những khó khăn này, tại buổi đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2023 diễn ra vào ngày 18/7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị Sở Nội vụ cần nhanh chóng tham mưu cho UBND thành phố về việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; giảm bớt sự phức tạp của các giấy tờ không cần thiết, không có trong quy định mà doanh nghiệp đã đề cập.

Trong đó, liên quan đến các rào cản về đất đai, như nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, đấu thầu, đấu giá cho đến việc lập các dự án đầu tư… theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thành phố cần nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Bởi vì nếu không giải quyết dứt điểm rào cản về vấn đề đất đai thì không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh và việc không có sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Để tháo gỡ những khó khăn trên của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong cung cấp thông tin về lao động, tuyển dụng, đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cung cấp thông tin thị trường, thông tin về các hiệp định thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp; Sở Nội Vụ tăng cường kiểm tra hoạt động thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhằm giảm các tình trạng nhũng nhiễu, yêu cầu thêm các loại giấy tờ không có trong quy định hoặc không cần thiết; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp.

Võ Thu và nhóm PV, BTV