Công văn của UBND TP Cần Thơ nêu rõ, hiện nay, các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử như: Bitcoin (BTC), Ethererum (ETH), Ethereum Classic (ETC), Monero (XMR), Onelife, Onecoin, ILcoin… không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam nhưng đã thu hút khá đông người dân tham gia đầu tư, kinh doanh. Có 2 hình thức đầu tư, kinh doanh phổ biến là: Mua bán thiết bị máy đào tiền ảo tạo ra đồng BTC, ETH, ETC, XMR và lập ví điện tử, sau đó mua lại tiền ảo từ các máy đào tiền ảo, theo phương thức như: Người đầu tư mở tài khoản mua và bán tiền ảo tại website của các sàn giao dịch. Khi mua tiền ảo, người đầu tư sử dụng tiền thật giao dịch trực tiếp với người bán hoặc chuyển khoản thông qua hệ thống Ngân hàng, sau đó người bán sẽ chuyển tiền ảo theo tỷ giá quy định tại website sàn giao dịch cho người đầu tư. Ngược lại, khi bán tiền ảo, sau khi nhận được tiền thật bằng giao dịch trực tiếp hoặc chuyển khoản thông qua hệ thống Ngân hàng, người đầu tư sẽ đăng nhập vào tài khoản của mình rồi thực hiện lệnh chuyển tiền ảo sang tài khoản do người mua cung cấp. Riêng với người tham gia Onelife, Onecoin còn được hưởng tiền huê hồng 10% trên tổng số tiền đầu tư khi giới thiệu, mời gọi người khác đầu tư vào hệ thống.

Các giao dịch tiền ảo đều không có chứng từ, hóa đơn, hợp đồng mua bán nào, mọi thông tin giao dịch chỉ được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số trên mạng Internet, do đó, nguy cơ rủi ro bị mất trắng, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia đầu tư, kinh doanh là rất cao.

Tại thành phố Cần Thơ, đến nay, chưa ghi nhận phản ánh của người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn phối hợp với lực lượng Công an theo dõi tình hình, rà soát, thống kê các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo hoặc tổ chức các hội thảo, đăng ký sử dụng website các sàn giao dịch tiền ảo; giám sát các điểm kinh doanh tiền ảo, đặc biệt là các điểm đầu tư trang thiết bị đào tiền ảo BTC, ETH, ETC, XMR…, để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trên địa bàn, lĩnh vực do cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông báo rộng rãi về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo trong nội bộ cơ quan, đơn vị và nhân dân biết để nâng cao ý thức cảnh giác và tích cực tham gia tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến lĩnh vực này. Giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiếp tục theo dõi các hoạt động liên quan đến đầu tư, kinh doanh các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử trên địa bàn thành phố.

Sáng ngày 30/10/2017, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phát đi thông báo về việc sử dụng tiền ảo (tiền kỹ thuật số) làm phương tiện thanh toán. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán, cụ thể: Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).