Cận ngày vía Thần tài, loại trang sức này được bán tràn lan, đặc biệt trên các chợ mạng. Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận định, không hề có khái niệm “vàng non” kể cả trong nghiên cứu địa chất hay thị trường.
"Vàng non" giá vài trăm nghìn đồng
Gần đây, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “vàng non” trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, la liệt kết quả sẽ hiện ra với các bài viết rao bán dòng sản phẩm lạ đời. Trang sức nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền gọi là vàng nhưng lại có giá rẻ đến bất ngờ, chỉ vài trăm nghìn đồng. Đáng chú ý, các sản phẩm có tên gọi "vàng non" này đang được bán mua tràn lan và hầu hết chỉ diễn ra trên mạng.
Rao bán mẫu nhẫn đeo tay với mức giá chỉ 300.000 đồng, một trang Facebook có tên “Xưởng chế tác vàng non” với hơn 9.000 lượt theo dõi vẫn khẳng định sản phẩm được “chế tác từ vàng 10K phủ bên ngoài 5 lớp vàng 18K”. Thêm vào đó, fanpage này còn mạnh miệng khẳng định, nếu khách hàng phát hiện sản phẩm không chất lượng sẵn sàng “đền 10 và hoàn hàng không mất một đồng phí nào”. Theo quảng cáo của fanpage này, khi giao dịch online, khách hàng vẫn được cam kết bảo hành sản phẩm trong vòng 1 năm đầu tiên.
Tỏ ra nghi ngờ muốn được xem hàng trực tiếp, PV Báo Lao Động được chủ trang cung cấp một địa chỉ trên phố Hàng Bạc. Tuy nhiên, khi tìm tới địa điểm này, không hề có bất cứ cửa hàng "vàng non" nào. Nhiều người dân tại con phố này cũng thừa nhận, rất đông trường hợp đã bị lừa tới địa chỉ "ma" ở trên để mua "vàng non".
Những sản phẩm "vàng non" được bán giá vài trăm nghìn đồng. Ảnh: Đình Trường |
Theo tìm hiểu PV, trên các website bán trang sức "vàng non", dễ dàng nhận thấy một điểm chung các dòng sản phẩm lắc tay, nhẫn, dây chuyền chỉ có giá trên dưới 500.000 đồng. Đặc biệt hơn, trên các sàn thương mại điện tử, "vàng non" còn được bán với mức giá khuyến mãi chỉ từ 99.000 đồng.
Trong vai một người có nhu cầu tìm mua "vàng non", PV tìm tới một địa chỉ hiếm hoi bán loại trang sức lạ lùng này một cách trực tiếp. Địa chỉ là một cửa hàng nhỏ nằm trên phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, người bán đem ra đủ loại trang sức với nhẫn, lắc tay, vòng cổ với mức giá từ 300.000 đồng - 700.000 đồng.
"Tất cả loại này đều là vàng non. Nó có vàng nhưng hàm lượng ít mà thôi. Cửa hàng tôi chủ yếu bán trên mạng và bán sỉ đi toàn quốc" - chủ cửa hàng trên phố Tôn Thất Tùng cho hay. Tuy nhiên, khi được hỏi về hàm lượng vàng cụ thể trên các trang sức này là bao nhiêu, vị chủ trên không đưa ra được thêm bất cứ thông tin nào.
Đáng chú ý, người bán cho biết, nếu mua về không ưng ý, người mua có thể bán lại nhưng chỉ duy nhất có thể bán tại cửa hàng này. Mức giá mua lại cũng chỉ bằng một nửa giá ban đầu.
Để kiểm tra hàm lượng vàng cụ thể bên trong loại trang sức "vàng non", phóng viên đã đem một nhẫn đeo tay có mức giá 400.000 đồng mua tại cửa hàng trên tới thẩm định ngẫu nhiên tại điểm phân tích của một công ty vàng bạc trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kết quả phân tích tuổi vàng cho thấy, hàm lượng vàng trong chiếc nhẫn chỉ chưa đầy 27,5%.
Không hề có khái niệm "vàng non"
Theo tìm hiểu PV, thực tế, tên gọi “vàng non” hay “vàng non thấp tuổi” được bán tràn lan trên các chợ mạng là loại sản phẩm được chế tác từ nhiều kim loại khác nhau, có một hàm lượng rất nhỏ vàng bên trong.
Theo một chủ tiệm vàng tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người mua rất dễ bị lừa nếu không kiểm tra kỹ lưỡng các trang sức "vàng non" được rao bán trên mạng. Những sản phẩm này được quảng cáo là "vàng non" nhưng thực chất chỉ là xi mạ một lớp vàng với hàm lượng cực kỳ nhỏ. Thậm chí, nếu nung chảy sản phẩm "vàng non" để kiểm chứng thì sẽ hiện nguyên hình là một sản phẩm dối trá, với hàm lượng vàng rất ít.
Ngày 19.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TSKH Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện Đá quý và trang sức, một trong những người mở đường ngành ngọc học của Việt Nam cho biết: "Vàng là vàng chứ không có vàng non hay vàng già. Về dân gian, địa chất hay thị trường thì không hề có khái niệm này. Tất cả những loại được quảng cáo là "vàng non" thực chất chỉ là kiểu pha trộn, chế ra để lôi kéo người mua với giá rẻ".
Ông Phan Trường Thị cho rằng không thể sử dụng khái niệm "vàng non" bởi trên thị trường hiện nay chỉ có các thuật ngữ như vàng ròng với tỉ lệ vàng 99,99% hoặc loại vàng trắng với tỉ lệ vàng thấp hơn, khoảng 75%.
Chuyên gia nhận định, những sản phẩm vàng trang sức có tỉ lệ vàng thấp vẫn được nhiều người lựa chọn vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, người dân không nên phí tiền vào các dạng đánh tráo khái niệm kiểu như "vàng non". Đồng thời, khi mua đồ trang sức, người dân nên tìm tới các cửa hàng vàng bạc, đá quý uy tín, tránh bị mất tiền oan bởi các quảng cáo dối trá, sai sự thật.
(Theo Lao Động)