- Bệnh lao ở trẻ em mỗi năm chiếm khoảng 10 đến 15% số ca mắc lao mới. Trẻ em có thể mắc tất cả các thể lao nhưng thường gặp hơn cả là lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu; lao cấp tính như lao màng não và lao kê; lao hô hấp sau sơ nhiễm như lao phổi và lao màng phổi; lao ngoài phổi: lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng, màng tim, lao niệu - sinh dục, lao ruột...
Lao sơ nhiễm có thể xuất hiện ở trẻ em từ 0 đến 14 tuổi nhưng thường xảy ra khi trẻ dưới 5 tuổi và không tiêm phòng BCG. Những biến chứng tại chỗ và ở xa càng nặng nếu trẻ càng nhỏ tuổi. Bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng thoáng qua như nóng sốt mệt mỏi, chán ăn. Nhiều trường hợp biểu hiện ở niêm mạc như hồng ban nốt nổi hai đến ba đợt viêm kết giác mạc. Triệu chứng lao sơ nhiễm mơ hồ như biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nên khó chuẩn đoán và dễ bị sai sót. Trẻ có thể tự khỏi nếu bệnh tiến triển nhẹ và sức đề kháng của trẻ tốt.
Lao cấp tính trong đó có lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của lao sơ nhiễm có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm. Nó có thể để lại di chứng trầm trọng nếu được điều trị muộn. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi trong đó nhiều nhất ở những trẻ dưới 2 tuổi không tiêm phòng BCG. Lao màng não xảy ra từ 2-12 tháng sau sơ nhiễm lao, báo hiệu với triệu chứng sốt nhẹ, thay đổi tính nết. Sau đó 1 tuần, sốt 38 độ C, nhức đầu, ói mửa, khám thấy có cứng cổ và đôi khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh, co giật, hôn mê, lé mắt, động kinh, sụp mí mắt.
Lao kê là lao cấp ở phổi xuất hiện trong những tuần lễ đầu khi trẻ sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy...
Lao đường hô hấp như lao màng phổi, lao phổi thường gặp ở trẻ lớn gần tuổi dậy thì hơn là trẻ nhỏ. Chỉ có 4% trẻ dưới 5 tuổi mắc lao phổi. Triệu chứng thường gặp là sốt nhẹ về chiều, chán ăn, gầy, ho có đờm hoặc có máu.
Lao ngoài phổi thường là bién chứng sau sơ nhiễm lao có nhiều dạng như lao cột sống, lao xương khớp, lao hạch, lao ruột...
Việc chẩn đoán và tìm ra vi khuẩn lao thường khó hơn so với người lớn. Các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Trẻ không biết khạc đờm nên khó có thể tìm ra vi trùng lao.
Việc điều trị lao ở trẻ cũng giống như ở người lớn, tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng hướng dẫn của bác sĩ và đủ thời gian, liều lượng thuốc. Bệnh lao ở trẻ nhỏ có thể điều trị trong thời gian ngắn bằng hóa trị lao ngắn ngày nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tốt nhất, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng vắc xin BCG trong khoảng sau sinh 3 ngày. Nếu sau một tháng không thấy sẹo BCG ở cơ delta thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để tử phản ứng IDRR. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính cần cho trẻ tiêm vắc xin lại. Ngoài ra, cần cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi.
Khi trẻ có các triệu chứng nghi mắc bệnh lao như ho kéo dài, sụt cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Nguyễn Quốc Khánh