Siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, phòng khám... xuất hiện ngày càng nhiều dưới lòng đất. Xu hướng khai thác không gian ngầm để kinh doanh đang được các nhà đầu tư tận dụng triệt để, song, không phải siêu thị nào cũng đảm bảo an toàn cho khách hàng khi mua sắm

Suýt chết ngạt vì thiếu khí

Sự cố hàng chục người bị ngất xỉu do ngạt khí, phải đưa đi cấp cứu khi mua sắm và tham dự một sự kiện văn hóa được tổ chức tại Big C The Garden tối 14/3 gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân sau đó được xác định là do hệ thống điều hòa và quạt thông gió gặp sự cố. Số lượng người tăng đột biến, cùng với đó là những chiếc xe máy cùng lúc phát ra khí thải khiến bầu không khí tại siêu thị ngột ngạt.

Cách đây không lâu, tại một chung cư cao cấp ở trung tâm Hà Nội, cư dân ở đây cũng đã lên tiếng phản đối khi chủ đầu tư cho thuê mở phòng khám ngay tầng hầm của tòa nhà. Tại khu vực tầng hầm B1, chủ đầu tư đã xây dựng gần như một nửa diện tích tầng hầm để cho phòng khám thuê. Hiện lối ra vào chính của khu vực tầng hầm để xe đã bị thu hẹp lại, có khả năng gây ách tắc trong trường hợp phát sinh cháy nổ.

{keywords}
Hàng chục hành khách và nhân viên siêu thị bị ngất xỉu tại Big C The Garden tối 14/3 (ảnh Zing)

Một số trung tâm thương mại điển hình đã triển khai kinh doanh dịch vụ, mở văn phòng, bệnh viện dưới tầng hầm là tòa nhà Keangnam (Mỹ Đình), Trung Hòa - Nhân Chính, Big C Long Biên hay tòa nhà Pacific trên phố Lý Thường Kiệt,...

Không chỉ vậy, nhiều chợ truyền thống sau khi chuyển đổi cũng đang sử dụng một phần tầng hầm là chợ như chợ Mơ, chợ Hàng Da,...

Lý giải về vấn đề này, giám đốc một công ty địa ốc tiết lộ rằng, khi một số khu vực bị không chế tầng cao, trong khi lại được miễn thuế phần đất bên dưới thì các chủ đầu tư càng muốn “chui”xuống sâu hơn nhằm tận dụng không gian ngầm để kinh doanh.

“Nếu đầu tư hầm ngầm chỉ dùng để giữ xe thì thời gian thu hồi vốn rất lâu. Vì vậy, chủ đầu tư phải tính đến các phương án kinh doanh khác”, ông cho hay.

Lãnh đạo một công ty có xây dựng trung tâm thương mại dưới lòng đất cho biết, việc xây dựng gặp khá nhiều rủi ro và nếu không “mạnh về gạo, bạo về tiền” sẽ khó thực hiện được. Nếu siêu thị đặt dưới tầng hầm, gần khu vực trông giữ ô tô, xe máy thì đòi hỏi hệ thống thoát khí phải rất tốt, phải có công suất lớn hơn nhiều so với siêu thị đặt trên mặt đất và phải có thiết kế và phương án riêng về phòng cháy, chữa cháy.

“Nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ xảy ra sự cố tương tự Big C The Garden hoặc nghiêm trọng hơn là cháy nổ hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”, vị chuyên gia nhận định.

Cẩn trọng khi “chui” xuống đất mua hàng

Tại các khu vực hầm tòa nhà, việc điều hòa không khí do hệ thống thông khí, điều hòa và quạt gió và cần được tính toán kỹ lưỡng về công suất ngay từ khi thiết kế và xây dựng. Nhiệm vụ của máy điều hòa là “bơm” khí tươi từ ngoài vào và đưa khí độc hại, khí thải ra. Khi chức năng này ngừng hoạt động, lập tức sẽ biến khí xăng, khí thải từ tầng hầm thành khí độc hại. Trong điều kiện đông người, nếu hệ thống điều hòa bị hỏng, không được sửa chữa kịp thời thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người vì sẽ không có không khí từ bên ngoài bơm vào tòa nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Viên (Ðại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, nếu nguyên nhân do ngạt khí từ hầm của tòa nhà thì rõ ràng tòa nhà được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo an toàn về thông khí, thông gió. Với xu hướng đưa các khu mua sắm và vui chơi xuống lòng đất như hiện nay, người tiêu dùng cần lưu ý cẩn trọng hơn khi xuống các siêu thị trong lòng đất mà thấy không khí ngột ngạt.

Hiện nay tại Việt Nam cũng có nhiều khu TTTM siêu lớn trong lòng đất, dù lượng khách mỗi ngày rất đông nhưng tại đây không khí vẫn đảm bảo lưu thông thoáng đãng như ở mặt đất. Đó chính là do chủ đầu tư công trình đã có sự đầu tư cẩn thận vào các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cũng như thái độ nghiêm túc trong việc kiểm tra kiểm soát và vận hành hệ thống mỗi ngày.

Duy Anh