-  Cuối năm, nghĩa trang buồn và vắng lặng. Những hàng mộ nằm im ngủ yên trong không gian u tịch. Đi len trong những hàng mộ, hình ảnh quân vương, hoàng hậu, những giai nhân tuyệt sắc được đặt ở những vị trí trang trọng.

Đài kỷ niệm với pho tượng một thiếu nữ mặc trang phục dân tộc toàn trắng đang khảy đàn tranh được đặt trên cao. Dường như trong cõi hư vô tiếng đàn thánh thót này đã ru hồn những người trong ngôi mộ kia tìm về ánh hào quang của thuở nào. Bên ngoài những náo nhiệt của một thành phố năng động bắt đầu...

Nghĩa trang... nghĩa tình

Chúng tôi có mặt tại nghĩa trang nghệ sĩ trên đường Thống Nhất (P.11, Q. Gò Vấp, TP.HCM) vào một buổi sáng cuối năm. Khác với mọi nghĩa trang khác, nghĩa trang nghệ sĩ vắng vẻ và buồn hiu hắt...

Nghĩa trang nghệ sĩ
Đi một vòng quanh nghĩa trang, một giọng nói bên tai văng vẳng: “Chú Hai đi thăm mộ hay đến tham quan ?”. Nhìn lại, người hỏi là một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó da ngăm đen. Gương mặt ông hiền lành phúc hậu ẩn trong một dáng dấp phong sương. “Tham quan thôi anh à”.
 

Ông đưa tôi đi một vòng quanh nghĩa trang. Những ngôi mộ khang trang thẳng tắp. Khung cảnh chung quanh thật đẹp với những hàng cây rợp mát. Một vài hình ảnh những ông vua, những mỹ nữ được phóng to trang trọng và uy nghi đập vào mắt tôi...

Bằng một chất giọng miền Nam thuần khiết, người đàn ông kể lại cho chúng tôi giai đoạn hình thành và phát triển nghĩa trang.

Người nghệ sĩ vốn là những người đa sầu đa cảm. Cuộc sống của họ luôn rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, nhưng sau khi màn nhung khép lại họ phải đối diện với những lo toan thường nhật...

Mộ bà Phùng Há

Cám cảnh, năm 1948 những nghệ sĩ lão thành, tiên phong trong làng cải lương như Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang (Tư Trang) đã ngồi lại với nhau thành lập hội Ái hữu Nghệ sĩ Tương tế nhằm có điều kiện giúp đỡ những đồng nghiệp lâm vào hoàn cảnh khốn cùng.

Có những người bạc mệnh, những số phận nghiệt ngã chết trên ghế đá công viên, bên vệ đường hay dưới gầm cầu... Thật xót xa và cay đắng.
 
Đến năm 1957, được sự khuyến khích của hai người bạn là Năm Châu và Tư Trang, Hội trưởng của Hội Ái hữu là nghệ sĩ Trương Phụng Hảo (Phùng Há) đã vận động hội trường đua Phú Thọ đóng góp một ngày thu nhập để ủng hộ nghệ sỹ.

Số tiền thu được lên đến 139.000 đồng (thời đó), bà vội mua ngay miếng đất rộng 6.080m2  ở xã Hạnh Thông Tây để thành lập nghĩa trang nghệ sĩ.

Châm một điếu thuốc, người đàn ông lim dim đôi mắt theo làn khói lãng đãng kể tiếp với chúng tôi...

Đất lập nghĩa trang đã có nhưng mãi đến năm 1970, nghĩa trang mới tiếp nhận những hài cốt nghệ sĩ đầu tiên.

Nghệ sĩ Tư Út - kép của trong đoàn cải lương Phụng Hảo – mới được đưa về đây cải táng. Đời nghệ sỹ lang thang, ông chết trên đường lưu diễn Phnom Penh (Campuchia).

Hiện nay, nghĩa trang đã có hơn 500 ngôi mộ của các nghệ sĩ vắn số được chôn cất tại đây. Ngoài ra còn có hàng trăm lọ cốt được bảo quản trong tháp cốt.

Vòng quanh các ngôi mộ, chúng tôi ghi nhận có đầy đủ các tên tuổi lừng danh trên sân khấu cải lương miền nam.

Các nghệ sĩ thời tiên phong như Năm Đồ, Ba Vân, Năm Châu, Từ Anh, Tư Út; đến những tên tuổi một thời vẫy vùng trên sân khấu cải lương trong giai đoạn cực thịnh: Út Trà Ôn, Thành Tôn, Thanh Nga, Hữu Phước, Út Hiền, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng… Đến những tài danh mới đây như Đức Lợi, Minh Phụng, Lương Tuấn... cũng đều qui tụ về đây yên giấc ngàn thu.

Không khí tết đã về với nghĩa trang. Những đóa hoa đang khoe sắc. Những người làm công quả đang cặm cụi lặt lá những bụi mai vàng.

Một vài công nhân chỉnh trang lại những ngôi mộ hoang phế... Thế nhưng nghĩa trang vẫn còn vắng vẻ. Một chút ngậm ngùi.

Đâu đây tiếng ca ngọt ngào của những người đã nằm xuống văng vẳng bên tai. Phải chăng họ đã về, đã về với mùa xuân bất tận ?

Chạnh lòng những ngôi mộ


Ngôi mộ lớn nhất đẹp nhất và vẫn còn mới ở vị trí trang trọng nhất trong nghĩa trang nghệ sĩ phải nói đến ngôi mộ của nghệ sĩ Phùng Há.

Bà là người khai sinh ra nghĩa trang nghệ sĩ, và cũng là người sống lâu nhất trải qua những giai đoạn thăng trầm của cải lương Nam bộ.

Bà sinh năm 1911 và mất năm 2009, hưởng thọ 99 tuổi. Dòng dõi người Hoa nhưng bà sinh ra tại Mỹ Tho lại có chất giọng truyền cảm, bà bắt đầu sự nghiệp ca hát vào năm 13 tuổi. Gánh hát đầu tiên là gánh Nam Đồng Ban của ông bầu Hai Cu.

Nơi an nghỉ vợ chồng Thanh Nga

Nam Đồng Ban rã gánh. Tái Đồng Ban được thành lập vẫn do ông bầu Hai Cu quản lý. Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của bà là vai Giã Thị trong vở cải lương Hoang Phi Hổ qui châu đã được công chúng nhiệt liệt tán thưởng.

Sau Tái Đồng Ban bà gia nhập gánh Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa cùng với các nghệ sĩ Nam Châu, Tư Chơi.

Đỉnh cao sự nghiệp của bà khi bà phụ trách nghệ thuật gánh Huỳnh Kỳ mà chủ gánh chính là người bạn đời Bạch Công Tử (Lê Công Phước). Thời ký này, gánh Huỳnh Kỳ của bà đi lưu diễn khắp nơi đến tận những nơi hẻo lánh. Vở tuồng ăn khách nhất lúc này là vở Giọt máu chung tình mà bà thủ vai chính Bạch Thu Hà.

Bà đã sống trọn cuộc đời cho nghệ thuật sân khấu. Thấu hiểu cuộc sống phù du của người nghệ sĩ, bà đau đáu khi từng chứng kiến những phút cuối cùng bi thảm của đồng nghiệp nên bà đã bỏ nhiều tâm huyết cho hoạt động xã hội mà điểm sáng chói nhất là bà là người lập ra nghĩa trang nghệ sĩ.

Phía sau mộ bà Phùng Há là mộ của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Hai ngôi mộ song song ở một góc nghĩa trang đã hoen màu.

Khi chúng tôi có mặt, thấy đã có nhiều nhánh hoa tươi được cắm trên mộ và nhang vẫn còn tỏa khói. Đã hơn 30 năm trôi qua, nguời nghệ sĩ tài hoa yểu mệnh vẫn còn mãi trong lòng công chúng.

Những người chăm sóc ở nghĩa trang này cho biết mộ của Thanh Nga không lúc nào ngớt hương và hoa. Người hâm mộ vẫn còn lưu luyến và tiếng hát của thái hậu Dương Vân Nga dạo nào vẫn còn trong tâm trí người nghe.
 

“Trời ơi !!! Âu Thiên Vũ đã chết”

Câu chuyện về cái chết của Thanh Nga được kể lại: “Vào đêm  26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng (nay là rạp Gia Định), Thanh Nga cùng chồng là Phạm Duy Lân và con trai 5 tuổi về nhà trên chiếc xe Volkswagen màu xám nhạt.

Ngay khi xe dừng trước cổng nhà bất ngờ một chiếc Honda chạy tới. Hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn P38 uy hiếp vợ chồng Thanh Nga nhằm bắt cóc đứa con trai. Những viên đạn từ họng súng vô tình nổ ra cướp đi mạng sống của hai người. Thanh Nga mất vào năm 36 tuổi, cái tuổi đang ở vào độ chín của sự nghiệp.
 

Tấm lòng người hâm mộ

Cuộc sống của giới nghệ sĩ luôn được nhiều người hâm mộ quan tâm. Trên ngôi mộ của Minh Phụng không ai không khỏi chạnh lòng khi đọc những dòng chữ viết vội không thẳng hàng của một khán giả: “...người em gái ở Sóc Trăng đã thuộc lòng lời ca giọng hát của anh. Trời ! Âu Thiên Vũ, người tôi yêu...”.

Minh Phụng (1943-2008) là một giọng ca lẫy lừng của sân khấu miền Nam vào những thập niên trước 1975.

Ông sinh trưởng tại Mỹ Tho, từng tham gia nhiều đoàn hát. Giọng ca của ông cùng với Minh Cảnh, Minh Vương trên sân khấu Kim Chung đã từng làm mưa làm gió trên sân khấu, khiến cho giới mộ điệu cải lương mê đắm.

Tháng 11/2008, ông xuất hiện lần cuối cùng trong liveshow của Ngọc Đáng tại rạp Hưng Đạo và không lâu sau đó ông mất vì bạo bệnh. Về vai diễn, vai Âu Thiên Vũ trong vở tuồng 'Xin một lần yêu nhau' của soạn giả Nguyên Thảo, Minh Phụng đã làm say đắm lòng người để đến bây giờ sau khi yên nghỉ vẫn còn có người nhớ đến.

Ngôi mộ của Minh Phụng được là một trong những ngôi mộ khang trang bề thế trong nghĩa trang nghệ sĩ. Phía trước trên tấm bia còn có chân dung Minh Phụng trong vai Âu Thiên Vũ với dòng chữ: “Trời ơi !!! Âu Thiên Vũ đã chết”.   

Rời ngôi mộ Minh Phụng, dường như trong gió văng vẳng câu vọng cổ mùi mẫn: “Bấy nhiêu đó cũng quá đủ cho một người bạc phước. Nếu mai đây xác thân tui có vùi sâu dưới 3 tấc đất xin được mang theo lời nói yêu thương vào thế giới muôn.... đời” mà Âu Thiên Vũ đã từng làm nhiều con tim chết lặng...

  • Trần Chánh Nghĩa