Theo BHXH Việt Nam, năm 2023 cả nước có hơn 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 8,95% so với năm 2022). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp.
Đơn cử như tại TP.HCM, tính đến tháng 6/2024 chỉ có 39.043 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 0,83% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nguyên nhân chủ yếu do người lao động chưa quan tâm đến những chế độ BHXH được hưởng khi về già. Trong khi, chính sách về BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp nên chưa thu hút nhiều người tham gia.
Mới đây, cử tri TP Cần Thơ đã đề xuất tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn. Theo cử tri, trên địa bàn thành phố, hầu hết hội viên nông dân tham gia BHYT, trong khi hơn 5% hội viên tham gia BHXH tự nguyện đã đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn lao động và nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai. Bởi hàng nghìn người này, khi hết tuổi lao động, sẽ không có lương hưu để ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân cơ bản nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay mức hỗ trợ đóng BHXH đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%, trong khi mức tăng lương cơ bản là 30%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 làm cho mức đóng BHXH tăng cao, càng ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của nông dân và người lao động tự do.
Do đó, cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị đề xuất tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn, góp phần đảm bảo ASXH trong tương lai.
Khuyến khích hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau là chủ trương nhất quán được nêu tại Nghị quyết số 42/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong đó, mục tiêu là phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, đảm bảo bền vững và công bằng xã hội. Chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018 với các mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định số 134/2015, đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Nghị quyết số 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, cũng nêu rõ nội dung, có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH để mở rộng diện bao phủ BHXH.
Mới đây tại quyết định 717/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng nghị định về BHXH tự nguyện. Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận kiến nghị nêu trên trong quá trình xây dựng nghị định để trình Chính phủ trong năm 2025.