Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 có quy định về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân tại Mục 2 của Chương II. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg chỉ đạo nhiều giải pháp xử lý tình trạng lây nhiễm phần mềm độc hại, hạn chế các nguy cơ lấy cắp thông tin cá nhân và Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTTTT về tăng cường phòng, chống mã độc và bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Tình hình mất an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng là đáng lo ngại do người dùng bất cẩn dễ dàng cung cấp thông tin của mình trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng xã hội, mua sắm trực tuyến, qua các cuộc khảo sát... Nhận thức của người dùng về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân vẫn còn hạn chế; các cơ quan, tổ chức vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công tác bảo đảm an toàn thông tin, các cá nhân sử dụng ứng dụng, dịch vụ kết nối xuyên biên giới do các nhà cung cấp nước ngoài quản lý ngày càng phổ biến là rào cản trong công tác quản lý.

{keywords}
Ảnh minh họa

Người sử dụng phải coi thông tin cá nhân như tài sản của mình, biết cách tự bảo vệ và có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp (thông tin nào có thể chia sẻ, chia sẻ với đối tượng nào); cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ trên mạng; luôn có thói quen kiểm tra, định kỳ thay đổi các thông tin xác thực để giảm thiểu nguy cơ lộ, lọt, mất an toàn bằng cách đặt mật khẩu mạnh; sử dụng chế độ xác thực hai lớp; tránh sử dụng wifi công cộng; cẩn trọng với email lạ; sử dụng giải pháp, phần mềm tin cậy; cập nhật phần mềm hệ thống thường xuyên, dùng website có giao thức https...

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Học viện Công nghệ BKACAD: Muốn bảo vệ thông tin cá nhân của mình tốt thì mỗi cá nhân cần phải có ý thức tự chủ động bảo vệ thông tin, dữ liệu của mình trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội.

Mỗi khi chia sẻ, khai báo thông tin cần xác định được ứng dụng mà mình đang chia sẻ có tin cậy hay không, mức độ tin cậy như thế nào? Việc này thường được đánh giá cảm tính thông qua đơn vị sở hữu ứng dụng. Với các thông tin càng nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, số chứng minh thư,... thì đơn vị sở hữu ứng dụng lại càng phải tin cậy. Và khi khai báo, chỉ điền đủ thông tin cần thiết và xóa đi khi không dùng đến. Hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội, tạo điều kiện cho kẻ xấu khai thác.

Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, quản lý thông tin cũng cần thiết. Mỗi ứng dụng xã hội đều cho phép các cá nhân thay đổi cài đặt bảo mật của mình. Thí dụ, bạn có thể đặt tài khoản mạng xã hội của mình ở chế độ riêng tư, nghĩa là người đó có thể quyết định có chấp nhận yêu cầu kết bạn hay không và chỉ bạn bè mới có thể xem nội dung của người đó. Các cá nhân cũng không cần điền vào hồ sơ đầy đủ mà chỉ phải điền vào các mục bắt buộc.

Ngoài ra, sử dụng trình duyệt web ở chế độ riêng tư khi sử dụng mua hàng trực tuyến cũng là một biện pháp hữu ích. Cách này có thể xóa cookie, tệp Internet tạm thời và lịch sử trình duyệt web bất cứ khi nào người sử dụng đóng cửa sổ. Các cá nhân cũng có thể sử dụng web proxy hoặc mạng riêng ảo (VPN) để ẩn địa chỉ IP của mình và duyệt Internet ẩn danh.

Nên nhớ, mọi thứ cần phải được bảo vệ bằng mật khẩu, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay của cá nhân. Điều này cũng được sử dụng với các tài khoản trực tuyến bao gồm email, phương tiện truyền thông xã hội và ngân hàng trực tuyến. Mật khẩu phải đủ mạnh. Theo chuẩn của Cisco Systems, đơn vị mà chúng tôi là đối tác đào tạo, mật khẩu mạnh thông thường có đặc điểm dài hơn tám ký tự, gồm chữ thường, chữ hoa, số và ký hiệu đặc biệt.

Bích Hạnh