Thách thức chưa từng có
Bức tranh kinh tế sau khi bỏ giãn cách từ đầu tháng 10 dần tốt lên, có tăng trưởng ở một số lĩnh vực. Về chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng, nhiều ngành có tăng trưởng dương, chỉ một số ngành như thành lập mới doanh nghiệp, du lịch, giao thông gặp khó khăn. Đặc biệt, ngành du lịch thiệt hại lớn, không biết bao nhiêu khách sạn, nhà hàng… đóng cửa, nhân viên du lịch sống thế nào.
Đại dịch diễn ra phức tạp trong hai năm vừa qua đã làm đứt gãy nhịp tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa |
Về cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp tốt và chúng ta may có nông nghiệp là bệ đỡ. Nông nghiệp bây giờ vững vàng, không chỉ các vùng ở Đà Lạt, Bắc Giang, Bắc Ninh xuất hiện nhà kính quy mô lớn, xuất khẩu hoa, rau quả sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Có những công ty trồng rau củ được đối tác Nhật Bản yêu cầu lắp camera trong nhà kính để họ kết nối, kiểm tra bất cứ lúc nào.
Chúng ta cần phát triển những vùng động lực cho tăng trưởng ở cả 3 miền. Có những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn Hà Nội. Đó là những tín hiệu rất tích cực.
Về tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4,5% ở kịch bản thấp, theo đó tình hình dịch vẫn khó đoán định, xuất hiện biến chủng mới; các đối tác thương mại lớn không phục hồi như kỳ vọng và hồi phục sản xuất trong nước gặp khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trễ.
Ở kịch bản cao, kinh tế sẽ tăng trưởng 6,7% nếu bệnh dịch hoàn toàn được khống chế; chuỗi cung ứng phục hồi nhanh và chi phí logistics giảm nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đạt hiệu quả cao.
Đại dịch diễn ra phức tạp trong hai năm vừa qua đã làm đứt gãy nhịp tăng trưởng kinh tế nước ta; làm cho việc đạt mục tiêu nhiệm kỳ trở thành thách thức chưa từng có; tạo nên áp lực đủ mức thúc đẩy đổi mới. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hơn 30 năm qua giảm dần, mỗi kỳ chiến lược giảm từ 0,5-0,9 điểm %; và phục hồi kinh tế sau các đợt khủng hoảng không cao đột biến.
Cần đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu kinh tế theo tinh thần của ĐH XIII
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có cải cách, tái cơ cấu đủ mạnh để đạt các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của Đại hội 13.
Cụ thể, tới đây, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu kinh tế như các văn kiện đã nhấn mạnh trong nhiều năm qua: Cải cách thể chế; tái cấu trúc DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công, nông nghiệp…; Tận dụng hội nhập, các FTA, sự dịch chuyển thu hút FDI chất lượng; Thúc đẩy sáng tạo, chuyển đổi số.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu chuyển đổi kinh tế số ngay để tăng hiệu quả quản lý, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cần thành lập các trung tâm start-ups, các trung tâm sáng tạo, trung tâm tài chính.
Chúng ta cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo cho các thị trường nhân tố sản xuất vận hành; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vượt trội và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Cùng với đó là đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu, trọng tâm là DNNN, phát triển các tập đoàn tư nhân, SMEs, hộ kinh doanh. Đặc biệt, chúng ta cần tận dụng hội nhập qua việc gắn kết chặt chẽ đối tác quan trọng với thị trường và tận dụng các FTA, kết nối theo chuỗi giá trị.
Về cải cách bộ máy nhà nước, cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và đảm bảo động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước.
Liên quan đến việc hoàn thiện các thị trường nhân tố sản xuất, tôi xin nói rõ thêm về thị trường quyền sử dụng đất nông nghiêp và đưa kinh tế số vào nông nghiệp, nông thôn như sau:
Thị trường quyền sử dụng đất sẽ tăng thêm quyền cho nông dân trong bảo vệ đất đai của mình và giúp nông dân vốn hóa quyền sử dụng đất. Nhờ đó, đất nông nghiệp sẽ được sử dụng công bằng hơn, hiệu quả hơn, tạo ra khối lượng vốn lớn cho nền kinh tế và sẽ tạo ra một cuộc canh tân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Chúng ta sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Tất cả điều đó sẽ dẫn đến đạt được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí vượt quá mục tiêu chiến lược. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tin tưởng rằng, phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo nên cuộc cải cách ruộng đất lần hai, chuyển từ giao công cụ sản xuất sang giao tài sản cho nông dân.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Trung Kiên (ghi)