Theo TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Ở Việt Nam, số lượng sản phẩm nhựa sử dụng ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon ra môi trường.
Với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về rác thải túi nilon và các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động phân phối tiêu dùng.
Trên cả nước đang có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 80%). Trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, có đến 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
“Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời, thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường”, TS. Nguyễn Đình Đáp cảnh báo
Thống kê mới nhất của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho hay, năm 2017, ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở mức 63 kg/người/năm. Như vậy, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,6%/năm.
Trong cơ cấu nguyên liệu nhựa nguyên sinh tiêu thụ của ngành nhựa Việt Nam, mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất, tổng khối lượng nguyên liệu nhựa nguyên sinh tiêu thụ năm 2017 là 5,89 triệu tấn trong đó nhựa bao bì tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn, chiếm 36%.
Sản phẩm đầu ra của mảng nhựa bao bì chia làm 4 nhóm chính, gồm: Bao bì màng mỏng, bao bì màng phức, chai PET và chai non - PET. Thị trường tiêu thụ bao bì chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh, các doanh nghiệp bán lẻ (phân phối đến các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ truyền thống...).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
“Tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước và phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh..., tạo ra những lợi ích kinh tế - môi trường đáng kể”, TS. Nguyễn Đình Đáp phân tích.
Tuy nhiên, câu chuyện tái chế nhựa ở Việt Nam có vẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ngân hàng Thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 3,90 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này chỉ 1,28 triệu tấn (tương ứng tỷ lệ 33%) được tái chế. Bao bì PET có tỷ lệ thu gom tái chế (CFR) cao nhất trong số tất cả các loại nhựa chủ yếu, ở mức 50%. Bên cạnh đó mỗi năm cả nước có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, tức là không được tái chế, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD2.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa”, TS. Nguyễn Đình Đáp khuyến nghị.