Thưa ông, ĐHQG Hà Nội đã thực hiện tái cấu trúc như thế nào?
PGS.TS Lê Quân: Lãnh đạo ĐHQG Hà Nội chủ trương phải tái cấu trúc để ổn định tổ chức, ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển trọng tâm.
Chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng và triển khai Đề án tái cấu trúc theo hai giai đoạn: tái cấu trúc cấp ĐHQG Hà Nội và tái cấu trúc cấp đơn vị.
PGS.TS Lê Quân phát biểu tại một buổi làm việc về phát triển nguồn nhân lực địa phương |
Tại cấp đầu tiên, công tác tái cấu trúc được thực hiện nhằm đánh giá rà soát lại chức năng nhiệm vụ các đơn vị, tránh trùng lặp chồng chéo, qua đó giảm đơn vị đầu mối và tập trung nguồn lực phát triển các đơn vị. Việc này được triển khai đồng bộ trong hai năm 2013 và 2014. Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã giải thể, sáp nhập, cắt giảm số đơn vị đầu mối từ 43 xuống còn 28, và thành lập một số đơn vị mới đáp ứng yêu cầu phát triển đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Tại các đơn vị, chúng tôi ban hành lại quy định tổ chức và hoạt động của các đơn vị để tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm; gắn với cấu trúc tổ chức lại các khoa, bộ môn, đơn vị đào tạo và nghiên cứu để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ và chuyển giao tri thức. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị truyền thống như khoa, bộ môn sang mô hình viện, doanh nghiệp, trung tâm có cơ chế tự chủ gắn kết với tạo sản phẩm đầu ra chất lượng cao. Hiện chúng tôi giao cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, “trường anh cả”, đi tiên phong và triển khai thí điểm tái cấu trúc.
Hiệu quả sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức này đã đến đâu?
Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã cơ bản xây dựng được mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực hiện đại. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống về khoa học cơ bản và ngoại ngữ, các lĩnh vực khoa học mới như công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục, y dược đã được phát huy.
Một số đơn vị trực thuộc có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đã được thành lập, góp phần từng bước hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng đại học nghiên cứu.
ĐHQG Hà Nội đã trở thành một thực thể hữu cơ có quy mô hợp lý, đảm bảo liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện, phát huy và tăng cường thế mạnh của các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc; gia tăng giá trị và yếu tố cạnh tranh của mìnt.
Các ông đối mặt và giải quyết những rào cản và trở lực khi tái cấu trúc ra sao?
Trong quản trị đại học, tái cấu trúc là liều thuốc mạnh cho sự phát triển. Thay đổi khó nhất là thay đổi về văn hóa tổ chức. Thay đổi khó khăn thứ hai là tái cấu trúc, vì động chạm rất nhiều đến vấn đề lợi ích.
Khi chúng tôi quyết tâm giảm bớt 15 đơn vị đầu mối, đồng nghĩa cần cho thôi quản lý, bố trí lại công việc cho vài chục cán bộ có phụ cấp chức vụ cấp vụ hoặc tương đương, cùng với rất nhiều thầy, cô giáo, nhà khoa học và lao động khác.
Nếu không xử lý tốt vấn đề này và tạo sự đồng thuận, rất nhiều các vấn đề sẽ phát sinh tiềm ẩn, mất đoàn kết nội bộ.
Chúng tôi xác định điều kiện dẫn đến thành công đầu tiên là sự đồng thuận, đồng lòng.
Đầu tiên, lãnh đạo phải quyết tâm và phải có đủ tầm, năng lực dẫn dắt. Nếu còn phân vân, thì sẽ không thể tái cấu trúc được bởi không có tái cấu trúc nào thành công mà không phải đánh đổi. Thế nên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi đó là Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt công tác này.
Thứ hai, phải có đội ngũ tham mưu, giúp việc và chuyên gia có năng lực. Chuẩn bị đề án kỹ càng, quyết liệt thần tốc trong triển khai.
Thứ ba, phải quan tâm truyền thông để mọi người nhìn rõ tại sao, như thế nào nhằm tạo đồng thuận và loại bỏ đi các tiếng nói có tính bảo thủ, bảo vệ lợi ích cá nhân, lợi ích hóm.
Nếu gọn trong một cụm từ thì chỉ có thể nói rằng: Chúng tôi ý thức được trọng trách của một đại học hàng đầu đất nước, nên tư tưởng xuyên suốt để thực hiện là đột phá – dám làm – trách nhiệm cao.
Theo ông, các trường đại học khác hoặc hệ thống giáo dục đại học có cần thiết tái cấu trúc?
Tái cấu trúc không phải là giải pháp cho mọi hoàn cảnh. Mỗi trường đại học tự cân nhắc mục tiêu cần đạt được để quyết định sử dụng giải pháp gì.
Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng nên mạnh dạn tái cấu trúc bởi rất nhiều trường đại học có cấu trúc tổ chức rất truyền thống, chưa khai thác hết tiềm lực con người, hiệu quả hoạt động thấp nhưng thiếu kiểm tra đánh giá, cơ chế hoạt động còn nặng về xin - cho.
Bên cạnh đó, cần tiến hành tái cấu trúc tổ chức để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ví dụ đơn cử, tại nhiều trường đại học mô hình tổ chức các bộ môn có vai trò rất hạn chế, đặc biệt tại các trường khối tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; cơ cấu tổ chức chưa gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học…
Với hệ thống giáo dục đại học, tôi cho rằng tái cấu trúc là điều tất yếu không phải vì số lượng trường đại học quá nhiều; mà nguyên nhân chính là một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, thương hiệu và điều kiện đảm bảo chất lượng thấp.
Tuy vậy, tái cấu trúc không có nghĩa là Nhà nước áp đặt giải pháp hành chính.
Nhà nước nên tập trung vào xây dựng chính sách, đẩy mạnh kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin về chất lượng, đẩy mạnh thông tin thị trường lao động… Thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao, thông tin minh bạch sẽ tạo áp lực và động lực cho các trường tái cấu trúc.
Xin cám ơn ông!
Song Nguyên (Thực hiện)