Sáng 17/5, Hội nghị chuyên đề về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khoá XV do Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chủ trì.
Nhiều lãnh đạo, đại diện một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an, phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Hà Nam tham dự và trình bày tham luận xoay quanh nội dung 5 dự án luật.
Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam yêu cầu: Các đơn vị công an tỉnh tiếp tục phối hợp với những ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nhân dân biết, đồng tình ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và công tác xây dựng hoàn thiện các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV nói riêng.
Tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến, cung cấp cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh các luận cứ khoa học chính xác để tham gia vào các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, trình bày tham luận về “sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cùng những yêu cầu thực tiễn đặt ra”.
Đại tá Nguyễn Thanh Hà cho biết, năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hai luật này được ban hành, sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh và cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam, từ đó phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy du lịch, hội nhập quốc tế.
Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại tá Hà đưa ra 3 vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung. Thứ nhất, tại thời điểm xây dựng luật này, các thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, trình báo mất hộ chiếu, đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông công dân nộp hồ sơ trực tiếp thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ và Bộ Công an đã xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an và hoàn thành xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân các thủ tục hành chính trên đều đã được thực hiện trên môi trường điện tử.
Trong khi đó Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chưa quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện các thủ tục này trên môi trường điện tử, do đó phải bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trước đó cũng chưa quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông cũng như chưa quy định rõ diện đối tượng được cấp hộ chiếu rút gọn đối với các trường hợp không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người,… do vậy cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Thứ ba, liên quan đến việc ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân theo luật hiện do Bộ Công an và Bộ Ngoại giao chủ trì. Gần đây Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 3 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại.
Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo đại tá Hà, việc triển khai chính sách thị thực điện tử là một chủ trương hết sức đúng đắn, đồng thời đảm bảo thuận tiện công khai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.