Mới đây, Bộ TT&TT vừa phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử”.

Phát biểu tại chuyên đề về “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử”, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương bày tỏ một loạt băn khoăn: Chữ ký số của tổ chức chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam và các tổ chức chứng thực chữ ký số nước ngoài chưa xác thực chéo được với nhau; Chưa có giải pháp liên thông giữa RootCA quốc gia và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc tế; Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như Chứng thực SSL của nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) trong nước còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận; Chữ ký số trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với doanh nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Anh, việc chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao dịch điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân trong nước với các doanh nghiệp, cá nhân ở nước ngoài.

{keywords}
Hiện chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế. (Ảnh minh họa: Internet)

Khuyến nghị rằng chữ ký số nói riêng và chữ ký điện tử nói chung cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực quốc tế, ông Lê Đức Anh đề xuất cụ thể một số quy định cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giao dịch điện tử. Đó là công nhận chữ ký số của các tổ chức chứng thực chữ ký số nước ngoài; Xây dựng cơ chế cấp chứng thư số cho các doanh nghiệp/cá nhân ở nước ngoài; Xây dựng cơ chế liên thông RootCA quốc gia và các RootCA quốc tế; Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình chữ ký điện tử khác.

Đề xuất của ông Lê Đức Anh không phải là quá mới so với thế giới. Theo tìm hiểu của ICTnews,  các quốc gia đã rất phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số như Singapore, Đài Loan, Malaysia… đều quy định rõ ràng về vấn đề công nhận tính hợp pháp của chữ ký số nước ngoài, có sự cam kết bằng hiệp ước cụ thể giữa các quốc gia với nhau.

Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã có quy định điều kiện công nhận chữ ký số, chứng thư số của tổ chức chứng thực chữ ký số nước ngoài. Theo khoản 1,2,3,4 Điều 52 Nghị định 26/2007 của Chính phủ: Ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận chữ ký và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia; Được cơ quan có thẩm quyền nước mình cấp phép hoặc chứng nhận; Độ tin cậy của chữ ký số và chứng thư số; Phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, việc ký kết điều ước với các quốc gia khác về chữ ký số vẫn chưa được triển khai đúng mức cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quốc gia về chữ ký số, thì Việt Nam cũng cần phải sớm ký kết các điều ước, hiệp định quốc tế nhằm đảm bảo chữ ký số được sử dụng rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Mới đây, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy nhanh tiến trình RootCA quốc gia được công nhận quốc tế.

Bàn về câu chuyện này, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) bày tỏ: “Một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, như CPTPP, EVFTA… Để có thể chủ động hội nhập, luật pháp của Việt Nam cần phải hoàn thiện phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập”.

Hiện NEAC đang tích cực tiếp thu ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời nghiên cứu và học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế để sớm giải bài toán khó xác thực chéo giữa chữ ký số nội với chữ ký số ngoại./.

Xuân Bách

Chính phủ yêu cầu triển khai chữ ký số chuyên dùng phục vụ gửi nhận văn bản điện tử

Chính phủ yêu cầu triển khai chữ ký số chuyên dùng phục vụ gửi nhận văn bản điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các bộ, ngành, địa phương gửi, nhận văn bản điện tử.