Xin thưa đây không phải là con đường từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, mà là con đường người nông dân Thái Bình đã sáng tạo ra, khái quát và hỏi đại biểu quốc hội. Con đường đó là từ lời nói đến hành động.
Kết quả- thì tương lai?
Trong thực tế những năm vừa qua nhiều chỉ tiêu, nhiều định hướng đưa ra chỉ là khát vọng, chỉ là những phương hướng mà thời gian làm được, kết quả hoàn thành vẫn là thì tương lai.
Có rất rất nhiều ví dụ về vấn đề này. Chủ trương giảm biên chế là một ví dụ. Chủ trương này đã qua nhiều nhiệm kỳ quyết tâm rồi nhưng đến nay không những không giảm mà càng phình to.
Ảnh minh họa. |
Tháng 09 vừa qua, làm việc với Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng qua khảo sát một số tỉnh, hiện đang nổi lên vấn đề khiến người dân rất bức xúc. Đó là tình trạng bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, càng thực hiện tinh giản biên chế bộ máy càng phình to hơn. Cùng đó là sự suy thoái và tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức nhà nước.
Từ năm 2007 đến 2014, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể các ngành công an, quân đội) tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43% (tăng từ 346.379 người lên 396.371 người). Chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước, con số công chức mới bổ sung vào biên chế trong vòng 07 năm là 36.952 người, tăng 15,48%, từ 238.668 người (2007) lên 275.620 người (2014).
Tương tự, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014: Tăng 680.000 người.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 05 năm thực hiện Nghị định 132 về chính sách tinh giản biên chế, tính đến hết năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã là 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Trong vòng 10 năm (từ 2003-2013) thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm 20%.
Chả lẽ, càng CCHC, biên chế lại càng tăng?
Chuyện tham nhũng và chống tham nhũng ở ta cũng là con đường dài từ lời nói đến kết quả.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng đã chỉ ra bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp Cách mạng nước ta. Trong đó, chệch hướng và tham nhũng là hai nguy cơ cực kỳ nguy hiểm và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đến Đại hội IX thì những nguy cơ đó đã thành sự thật, thậm chí hiển hiện: “tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng". Qua các kỳ Đại hội tiếp theo, tình trạng này không những không suy giảm, chẳng những ít tìm ra được ai trong “bộ phận không nhỏ”, mà tham nhũng, suy thoái còn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, trắng trợn hơn”.
Ngay cả chuyện xe đưa đón cán bộ đi làm cần được khoán trong quỹ lương, chúng ta đã đưa ra từ rất lâu và có quá nhiều quyết tâm nhưng mấy chục năm nay xe công không những không giảm mà càng “lớn mạnh”.
Thừa tầm chiến lược thiếu tầm cụ thể?
Chúng ta có nhiều chỉ tiêu đặt ra ở tầm vĩ mô mà hầu như định hướng là chính. Cũng có những chỉ tiêu định lượng và cụ thể hóa nhưng cuối cùng lại không thành hiện thực và cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương đúng nhưng các bộ ngành không có chỉ tiêu cụ thể. Bộ Công thương, xương sống của chủ trương này thì không xây dựng được các ngành mũi nhọn. Các công ty làm ăn bê bết thua lỗ nợ nần chồng chất. Ngành công nghiệp ô tô, tàu thủy đến nay có thể nói là quay về điểm xuất phát…
Phải chăng chúng ta thừa tầm chiến lược và thiếu tầm cụ thể?
Những ví dụ về lời nói và hành động là con đường xa nhất chắc không thiếu trong cuộc sống. Có thể nói đó là khái quát đầy đau đớn và rất hiện thực trong đời sống của xã hội hiện nay. Con đường đó đã làm mất đi một phần niền tin của nhân dân. Chúng ta hô hào nói và làm, nói và hành động nhưng thực tế diễn ra không như vậy.
Vì thế trong cuộc họp Chính phủ vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói trên của người dân, yêu cầu các bộ, ngành thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế của mình và đổi mới phương pháp làm việc, chủ động đề cao trách nhiệm cá nhân. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành mình. Trong đó, cần phải minh bạch chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng.
Đó là điều tiên quyết rút ngắn con đường dài nhất để đất nước phát triển.
Nguyễn Đăng Tấn
.