Thông điệp quan trọng nêu trên vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại Hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý thực tiễn tại Việt Nam, 86.000 chiếc tàu đang hoạt động trên một vùng biển hẹp, trong khi nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.
“Mục tiêu của Chính phủ là giảm khai thác, giảm đội tàu, tăng nuôi trồng, bảo vệ biển. Chúng ta không nên tư duy rằng cứ ra biển là khai thác, bất chấp nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, mà cần bảo vệ tài nguyên cho thế hệ mai sau", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp khuyến nghị, cần phải cấu trúc lại đội tàu và quản lý tàu cá hiệu quả ngay tại cảng thì mới có thể phát triển bền vững. Thay vì tập trung số lượng tàu cá, cần quan tâm đến chất lượng của đội tàu, xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản với công nghệ khai thác và chế biến hiện đại.
“Việc phát triển thủy sản bền vững không chỉ nhằm gỡ thẻ vàng EC mà còn đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế; tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, đem lại sinh kế bền vững cho ngư dân”, ông Hoan khẳng định.
Cũng tại hội nghị, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, cả nước đã có hơn 173 cảng/bến cá và khu neo đậu tránh trú bão được quy hoạch, phân bố ở tất cả các tỉnh/thành phố trung ương ở ven biển, ở các cửa sông, ven vịnh biển ra đến các đảo, bao gồm cả huyện đảo Trường Sa.
Các cảng cá được chia thành 3 loại (loại I, loại II và loại III), với các mức đầu tư khác nhau nhưng đều do các địa phương ven biển quản lý trực tiếp thông qua Ban quản lý cảng/bến. Nguồn đầu tư ngân sách trung ương chủ yếu dành cho hạ tầng, trang thiết bị, bộ máy quản lý, đội ngũ bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh...
Tuy nhiên, hiện tại, nhìn chung các cảng/bến cá vẫn đang ở trong tình trạng nhiều về số lượng song yếu về chất lượng. Cả về công nghệ, trình độ quản trị/quản lý và điều kiện hạ tầng cơ sở, hệ thống bảo vệ môi trường cảng và vùng nước của cảng ở Việt Nam đều vẫn ở mức thấp so với khu vực và quốc tế.
Một trong những nội dung chính của hội nghị là tìm giải pháp phát huy vai trò của ngư dân, các hội đoàn, các bên liên quan khác trong quản trị cảng/bến cá ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện ngư dân và các bên liên quan đã có dịp phản ánh một số vướng mắc cũng như đề xuất kiến nghị, giải pháp để giúp nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý các cảng, bến cá.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận, quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm, quản lý thông minh các cảng, bến cá hiện vẫn đang là chủ đề mới ở Việt Nam, còn phải vượt qua nhiều khó khăn, tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” mới có thể tạo ra sự chuyển biến như mong muốn.
Một kinh nghiệm hay đã được Tiến sỹ Trần Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn) chia sẻ tại hội nghị, đó là mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản.
Ở “xứ sở hoa anh đào”, Nhà nước đứng ra tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng cơ bản, từ thiết kế tổng thể tới quy hoạch chi tiết từng hạng mục của cảng cá, xây dựng nhà điều hành trung tâm, hệ thống xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt của tàu cá, cầu cảng, giao thông nội bộ, hệ thống điện…
Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh, hoạt động với nguyên tắc "bán giùm", "mua giùm", đem lại lợi ích cho cả bên mua và bên bán. Đơn vị vận hành chợ đầu mối sẽ ký hợp đồng với chính quyền, sau đó chia ra các nhóm người mua cụ thể (người mua sỉ thì sản lượng lớn, giá thấp, phải cam kết mua hết sản phẩm cá của mỗi tàu; người mua lẻ chỉ được mua lại hàng của nhóm bán sỉ). Nhóm người bán (ngư dân) có thể đăng ký nhiều chợ nhưng chỉ được bán tại 1 chợ trong 1 tháng; ngoài ra, phải đăng ký ngư trường khai thác, thông tin tàu để tránh các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).