Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, đây là yêu cầu rất cấp bách để tránh biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải về CNTT của thế giới.

Chỉ đạo này được người đứng đầu ngành TT&TT đưa ra trong cuộc làm việc với Vụ CNTT sáng nay, 26/5, khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế một cách bền vững trong lĩnh vực TT&TT.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm việc với Vụ CNTT sáng 26/5.

 

"Thời gian gần đây, chúng ta rất quan tâm và chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường. Ngành CNTT lại luôn tự hào là ngành công nghiệp sạch, không khói nên vấn đề này lại càng đặc biệt phải lưu tâm", Bộ trưởng nêu rõ. "Hiện Việt Nam đang thu hút các Tập đoàn CNTT lớn, đầu tư rất nhiều các dây chuyền sản xuất, sửa chữa thiết bị CNTT nên việc quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng là rất quan trọng".

"Cần phải đảm bảo rằng Việt Nam không bị biến thành bãi rác, nơi chứa rác thải về CNTT của thế giới", ông quyết liệt.

Trước đó, trong báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động, Vụ CNTT cho biết thời gian qua, đơn vị này đã triển khai các công việc liên quan của Thông tư số 31/2015 của Bộ để hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187 Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng: xem xét, xử lý các hồ sơ đề nghị nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu; tham mưu trả lời các đề nghị về gia công tái chế, sửa chữa sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cho đối tác nước ngoài.

Đưa ra định hướng cho công tác này trong thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Vụ CNTT cần tổng hợp, đánh giá, giám sát chặt chẽ tình hình chấp hành quy định về nhập khẩu, tái xuất các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng của doanh nghiệp.

"Thời gian gần đây, tôi được biết nhiều doanh nghiệp đã xin phép nhập khẩu rất nhiều thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam để sửa chữa, số lượng lên tới hàng chục ngàn thiết bị. Vai trò của Vụ CNTT ở đây ra sao? Không thể không giám sát chặt việc này". Đồng thời, ông yêu cầu Vụ làm rõ tính hiệu quả, những bất cập trong chính sách quản lý hiện hành và có cơ sở hoàn thiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Đơn cử như việc nhập các điện thoại di động đã qua sử dụng về Việt Nam để thay thế linh kiện, làm lại bo mạch mới thì các linh kiện, bo mạch cũ bị hỏng là rác thải CNTT cũng cần phải được tái xuất ra nước ngoài, tuy nhiên hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm tới tái xuất chính chiếc điện thoại di động sau khi được sửa chữa mà chưa giám sát chặt chẽ việc tái xuất các linh kiện cũ bị hỏng. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không thận trọng thì nguy cơ tác động đến môi trường, sinh thái của Việt Nam từ "rác thải" công nghệ sẽ rất nghiêm trọng.

Đây không phải là lần đầu tiên vị Trưởng ngành TT&TT trăn trở về vấn đề môi trường trong việc phát triển ngành. Trong một cuộc Hội đàm với Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Hàn Quốc mới đây, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh thông điệp các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam cần có chính sách phát triển, kinh doanh bền vững, "bảo vệ môi trường sinh thái".

"CNTT là lĩnh vực phát triển kinh tế sạch. Sự phát triển của Samsung tại VN cũng là sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường", ông nói. Đây là vấn đề mà VN đang rất quan tâm, vì không phải nhà đầu tư nào khi vào làm ăn tại VN cũng để lại một môi trường trong sạch.

T.C