Ngày 10/1, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Sở VH-TT đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030.
Theo mục tiêu, doanh thu dự kiến của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 148.000 tỷ đồng vào sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM (đến năm 2025 là 53.200 tỷ đồng, đóng góp 5,7% GRDP; đến năm 2030 là 94.800 tỷ đồng, đóng góp 7 - 8% GRDP của TP).
Ngành VH-TT đang thực hiện đầu tư 105 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 24.068 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, ngành VH-TT được bố trí 6.686 tỷ đồng - chiếm 4,6% tổng ngân sách TP. Năm 2023, ngành được bố trí vốn đầu tư công khoảng 618 tỷ đồng. Ngành tiếp tục đề xuất nguồn vốn ngân sách thực hiện 41 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 6.842 tỷ đồng.
Đại diện Sở VH-TT đã báo cáo về kết quả thực hiện của ngành. Trong năm 2023, Sở đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống: kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; Bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu; Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô 2023, Tổ chức Liên hoan Phim ngắn TP.HCM năm 2023...
Sở cũng tổ chức trên 50 lễ hội, sự kiện, chuỗi sự kiện (tăng 160% so với năm 2022, năm 2022 thực hiện 31 lễ hội, sự kiện). Tổ chức hoạt động quảng bá âm nhạc truyền thống cách mạng, giới thiệu chân dung tác giả, tác phẩm của nhạc sĩ. Bên cạnh đó, công bố, giới thiệu Liên hoan phim quốc tế TP.HCM tại Busan - Hàn Quốc.
Tổng số khách tham quan bảo tàng thuộc Sở VH-TT quản lý khoảng 3,25 triệu lượt (trong đó khách trong nước là: 2,25 triệu lượt, khách quốc tế là 1 triệu lượt), tăng 216% so với cùng kỳ năm 2022.
Các bảo tàng đã tổ chức 105 cuộc trưng bày, triển lãm. Hướng dẫn thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, tiếp nhận bộ sưu tập với tổng số gồm 217 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng và nhiều kỷ vật cố họa sĩ.
Sở cũng tham mưu thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp lại hạng đối với các bảo tàng trực thuộc. Triển khai tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ dự án FSPI Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam. Hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND TP.HCM trình Bộ VHTTDL đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát triển toàn diện các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật
Năm 2024 là năm bản lề của Nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sở VH-TT đề ra 10 nhiệm vụ, phương hướng năm 2024 gồm:
Thực hiện chỉ tiêu: Người dân TP.HCM được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản các môn thể dục thể thao, một loại hình nghệ thuật; được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập; miễn phí xem những chương trình nghệ thuật do các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM tổ chức.
Xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Tập trung nghiên cứu tham mưu các chương trình, dự án khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp có thẩm quyền nhằm cụ thể hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước.
Tập trung xây dựng, phát triển các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật triển lãm, bảo tàng đa dạng về hình thức - phong phú về thể loại - đặc sắc về nội dung; tổ chức cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Thực hiện chuyển đổi số bảo tàng và di tích TP.HCM, thu hút khách tham quan và người dân thành phố đến bảo tàng.
Phát triển thể dục thể thao dành cho mọi người; hoàn thành và trình phê duyệt Đề án đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X 2026.
Triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngành Công nghiệp văn hóa, tham mưu thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, ươm mầm sáng tạo, thúc đẩy thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư triển khai thực hiện nhiệm vụ mời gọi nhà đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư các dự án của ngành văn hóa và thể thao theo hình thức đối tác công tư.
Lĩnh vực văn hóa - thể thao phải tạo nguồn lực cho xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tập thể cán bộ, người lao động ngành VH-TT thành phố đạt được trong năm qua.
Đồng thời, ông đề nghị ngành VH-TT rà soát, chú trọng khắc phục những hạn chế còn tồn tại, phát triển các lĩnh vực song song...
Lãnh đạo TP kỳ vọng năm 2024, ngành nỗ lực phát huy những thành tựu đã đạt được. Các hoạt động VH-TT ngày càng diễn ra chuyên nghiệp hơn, mang lại giá trị cho người dân, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hoá và du lịch.
“Các lĩnh vực văn hoá, các môn thể thao không chỉ là những ngành xài tiền, mà phải tạo ra nguồn lực cho xã hội. Nguồn lực không chỉ là tiền mà những giá trị khác, quý hơn tiền nhiều”, ông Dương Anh Đức phát biểu.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng bằng khen cho 2 tập thể và 7 cá nhân; Bộ VHTTDL tặng cờ thi đua cho Sở VH-TT TP.HCM; Bộ VHTTDL tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân; UBND TP.HCM tặng bằng khen cho hơn 20 cá nhân, tập thể cùng nhiều giải thưởng khác.
Ảnh: Trung Sơn