Cùng với sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam đang tăng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống quản lý và xử lý chất thải vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, đòi hỏi cần có những biện pháp kịp thời, công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng.
Tại diễn đàn về môi trường được tổ chức mới đây, ThS. Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Đến thời điểm cuối năm 2023, cả nước có khoảng 1.712 cơ sở xử lý CTRSH, bao gồm 467 lò đốt CTRSH, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp CTRSH, trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số khu liên hợp xử lý hoặc cơ sở xử lý đã áp dụng phương pháp đốt kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện hoặc đốt kết hợp chôn lấp và làm phân compost.
Theo ThS. Đinh Nam Vinh, một số thực trạng chính trong xử lý CTRSH của Việt Nam có thể kể đến như: Sự gia tăng liên tục lượng chất thải rắn sinh hoạt; thiếu hạ tầng xử lý rác thải; việc xử lý và quản lý rác thải chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện phân loại rác thải chưa đi vào ý thức người dân...
Hiện nay, các dự án xử lý CTRSH tại Việt Nam đang áp dụng các công nghệ chôn lấp, công nghệ đốt rác không thu hồi nhiệt, công nghệ phân loại và ủ sản xuất phân compost, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng (bao gồm quá trình đốt rác hoặc sinh khối, để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác) và một số công nghệ khác như tạo viên nén năng lượng RDF, khí hóa, nhiệt hóa khác.
Phương pháp chôn lấp rác vẫn là phương pháp chính để xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều khu vực, tiếp theo là công nghệ đốt không thu hồi nhiệt. Các công nghệ hiện đại như điện rác hiện nay đang là xu thế, tuy nhiên chưa phát triển nhiều vì suất đầu tư lớn.
Việt Nam đang dần chuyển dịch sang sử dụng các công nghệ khác như tái chế, phân hủy sinh học, chuyển đổi thành năng lượng và giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Các công nghệ này đang được triển khai và mở rộng trong một số thành phố lớn và khu vực tại Việt Nam, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ việc chôn lấp rác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được vượt qua để đạt được một hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả và bền vững.
Ngoài việc khuyến nghị về chính sách, ThS. Đinh Nam Vinh cho biết: Trong việc xử lý rác thải, không có một công nghệ nào duy nhất được coi là tối ưu nhất.
Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại như nhà máy tái chế, nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng, xử lý rác bằng phương pháp sinh học, và các công nghệ tái chế tiên tiến khác. Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đến bãi rác và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Mỗi công nghệ đều có những đặc tính ưu nhược điểm. Việc áp dụng công nghệ xử lý CTRSH ngoài công nghệ chôn lấp là rất cấp thiết. Vấn đề đặt ra là các nhà máy xử lý CTRSH khi đưa vào sử dụng cần đảm bảo luôn luôn được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương Việt Nam, theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ rác thải. CTRSH Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt... do đó công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.
Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nói chung hay công tác quản lý chất thải rắn nói riêng là việc làm cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Và sự quyết tâm và hợp tác của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ là rất quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam.