Không chỉ “tô hồng”
Ông Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân lưu ý, trong truyền thông chính sách cần đề phòng một khuynh hướng rất dễ mắc phải, đó là không tôn trọng tinh thần phản biện, mà chỉ nói mặt tốt, chỉ “tô hồng” một chiều…
Khuynh hướng này dẫn đến báo chí không coi trọng việc góp ý, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại tại bộ ngành, địa phương. Thậm chí, có quan điểm lệch lạc rằng, khi đã cung cấp kinh phí cho báo chí tức là đã góp phần nuôi báo chí thì báo chí có trách nhiệm phải nói tốt cho địa phương, cho bộ ngành đó.
“Nếu không cẩn thận, báo chí sẽ mất tính phản biện, xung kích và đấu tranh… Bởi khi chỉ nói một chiều, chỉ tô hồng mà không nỗ lực “vạch mặt chỉ tên”, không nhìn ra được những mặt chưa được của địa phương thì cũng chính là cản trở địa phương đó phát triển. Nếu không có mách bảo của báo chí, dẫn đường định hướng của báo chí thì chính quyền sẽ rất dễ mất niềm tin nơi nhân dân, không đạt được mục tiêu chính trị. Còn nếu báo chí vì nghĩ rằng “đặt hàng” chính sách là chỉ nói cái hay, cái tốt cho chính quyền thì báo chí sẽ dễ mất bạn đọc. Chính vì thế, chúng ta nên thống nhất quan điểm với nhau rằng: Truyền thông chính sách không có nghĩa là chỉ nói mặt tốt, không có nghĩa chỉ khuyến khích động viên, tô hồng sự thật. Thông tin trung thực vì lợi ích chung của đất nước thì phải nói cả mặt tốt và mặt còn hạn chế, nói cả những suy nghĩ, góc nhìn mang tính phản biện của nhà báo trước các vấn đề xã hội quan tâm. Cái đấy mới là cái cần để khẳng định giá trị thực sự của báo chí, nâng cao uy tín của báo chí trong lòng dân”, ông Bộ phân tích.
Cũng theo Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, để làm tốt vai trò phản biện chính sách thì báo chí cần hội tụ nhiều “điều kiện cần và đủ”. Phản biện trên tinh thần xây dựng, gỡ khó cho địa phương chính là xu hướng của báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Nhà báo đi khắp cả nước, nghe ngóng dư luận sẽ có những “mách bảo” chính quyền những việc cần làm ngay, những điều thật hữu ích, hiệu quả. Nhà báo là chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, ắt sẽ có những kiến giải phù hợp, khách quan. Làm được điều ấy không chỉ cần có tâm mà còn phải có tầm nhìn, có trình độ.
Nhấn mạnh rằng “nếu như nhà báo không nâng cao trình độ của mình khi đánh giá, nhìn nhận các vấn đề để phản biện đúng, trúng thì hậu quả cũng rất khó lường”, ông Bộ dẫn hai ví dụ cụ thể về tác hại của việc báo chí “khen – chê” chưa đạt tới trình độ “phản biện đúng”.
Một là mấy năm trước, báo chí phê phán việc tỉnh Sơn La đúc tượng Bác Hồ vì cho rằng tỉnh nghèo không nhất thiết phải tốn kém cho việc này. Nhưng rồi, sau mấy năm, thực tế cho thấy tượng Bác trở thành điểm nhấn về du lịch Sơn La, trở thành nơi quy tụ văn hóa tinh thần của Sơn La, thậm chí là của cả vùng Tây Bắc.
Hai là cách đây vài năm, báo chí khen ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc cho cắt giảm người dọn vệ sinh, giảm tiền tỷ cho ngân sách Nhà nước… Nhưng hệ lụy là đến hôm nay, vấn đề về rác thải, ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội.
Cần xác định tỷ lệ phù hợp
Theo Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, cần phải xác định tỷ lệ phù hợp đối với nội dung thông tin truyền thông chính sách trong “mâm cỗ thông tin” đối với mỗi ấn phẩm báo chí.
Trong đời sống xã hội có rất nhiều thông tin, và để phù hợp với thị hiếu của công chúng ngày càng đa dạng hiện nay thì thông tin đó phải phong phú. Truyền thông chính sách chỉ là một mảng, một vấn đề.
“Nếu tờ báo chỉ thiên quá nhiều nội dung về chính sách, mà phóng viên lại lười “chế biến” thì dễ trở thành công báo, khô cứng, khó hấp dẫn bạn đọc. Còn nếu tờ báo chỉ đơn thuần giải trí, vô thưởng vô phạt thì thiếu hụt thông tin, không làm tròn chức năng định hướng dư luận xã hội của báo chí. Làm thế nào để cân đối hài hòa, để bạn đọc quan tâm tới tờ báo của mình là bài toán không dễ đối với từng đơn vị báo chí trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay”, ông Bộ nhận định.