Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc, với tổng dòng chảy nước mặt hằng năm từ 830 đến 840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn TNN chỉ ở mức trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Như vậy, ở Việt Nam, bên cạnh nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước cũng là đối tượng được đánh giá dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Hồi đầu năm nay, nhận định của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong Bản tin về diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức thấp. Dấu hiệu cho thấy mùa khô năm nay, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt dự báo sẽ còn diễn ra gay gắt.
Cần những giải pháp điều hòa và bảo vệ nguồn nước dưới đất cho mục tiêu phát triển bền vững |
Đồng Tháp- tỉnh thuộc lưu vực sông Cửu Long có diện tích tự nhiên là 3375,4 km2, trong phạm vi tỉnh hiện nay có 20 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Với mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp theo hướng kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, phát huy lợi thế và khả năng thu hút đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp đạt hiệu quả cao, việc gia tăng áp lực đối với tài nguyên nước dưới đất là tất yếu.
Những thay đổi mạnh về cơ cấu kinh tế, gia tăng phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, các đổi mới trong chính sách quản lý đất đai, sự hình thành các trung tâm kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên địa bàn tỉnh sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu trong nhu cầu khai thác, sử dụng nước, kể cả về chất lượng và số lượng.
Nếu không có những giải pháp điều hòa, phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đối tượng, các ngành sử dụng nước thì việc khai thác, sử dụng nước dưới đất sẽ không bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường. Với việc gia tăng nhu cầu khai thác nước dưới đất phục vụ cho các ngành kinh tế, trong khi điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, động thái, chất lượng nước dưới đất rất phức tạp và mức độ nghiên cứu về nước dưới đất của tỉnh Đồng Tháp còn hạn chế sẽ là một khó khăn lớn cho công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất của tỉnh.
Bởi vậy, tỉnh Đồng Tháp đã sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan đơn vị chức năng phối hợp thực hiện việc điều tra cơ bản, thống kê, lưu trữ số liệu tài nguyên nước trên địa bàn; khoanh định và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất và công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền, khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; đồng thời công bố danh mục ao, hồ, đầm phá không được san lấp. Năm ngoái, Đồng Tháp đã hoàn thành Đề án “Bảo vệ nước dưới đất tại thành phố Cao Lãnh và nâng cấp, cải tạo một số trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh”. Kết quả của đề án được sử dụng đối với công tác quản lý, cấp phép tài nguyên nước và phục vụ việc quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, tham luận về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục có những nghiên cứu khoa học đề ra giải pháp tối ưu và có sự đầu tư kịp thời cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy của sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp.
Hồng Khanh