Theo nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường (gồm Trần Quý Trung, Dương Thị Phương Anh, Hoàng Hồng Hạnh), các mô hình kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; đổi mới, cải thiện hiệu quả của công tác quản lý chất thải. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải ở Việt Nam còn hạn chế và gặp nhiều thách thức.
Trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế chia sẻ hướng đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Chẳng hạn, phế liệu phát sinh tại hộ gia đình (giấy, nhựa, kim loại, chất thải điện tử) có thể được yêu cầu thu gom thông qua ứng dụng Kabadiwala (Ấn Độ) để tái sử dụng, tái chế và bán lại. Thực phẩm dư thừa từ siêu thị, nhà hàng được bán/chuyển cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp nhận thông qua các ứng dụng Karma (Thụy Điển, Anh, Pháp), Olio (54 quốc gia), Phenix (Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Bỉ), Yume Food (sản phẩm không bán được trên nền tảng có thể được quyên góp cho các tổ chức từ thiện cứu trợ thực phẩm). Chất thải công nghiệp có thể được trao đổi, giao dịch thông qua nền tảng Chợ Nguyên liệu Hoa Kỳ (Mỹ), Chợ Nguyên liệu Ontario (Canada). Chất thải hữu cơ từ nông nghiệp được mua bán trên Biotrading (Anh), Organix (Pháp)… Chất thải nguồn gốc thực vật/nhà bếp được tiếp nhận bởi các điểm làm phân compost, chăn nuôi (gà, giun) thông qua ứng dụng web và di động miễn phí ShareWaste (khởi điểm ở Úc, đến nay đã mở rộng ra nhiều nước thế giới).
“Thông qua việc hỗ trợ thị trường chất thải/dịch vụ quản lý chất thải, nhiều mô hình kinh tế chia sẻ có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các bên mua/bán, tái sử dụng, tái chế chất thải cũng như cho bản thân bên cung cấp nền tảng; đồng thời thúc đẩy tái sử dụng sản phẩm cũ/thải bỏ, qua đó kéo dài vòng đời sản phẩm, vật liệu, và giảm phát sinh chất thải. Chất thải không còn đơn thuần là đồ bỏ đi mà trở thành tài nguyên đúng nghĩa”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ cũng thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải tại nguồn; đổi mới sáng tạo trong thu gom, vận chuyển; góp phần đẩy mạnh tái chế chất thải.
Các mô hình kinh tế chia sẻ có tính tùy chọn cao, có thể đưa ra giải pháp tối ưu trong từng trường hợp với các loại chất thải khác nhau; các dịch vụ thu gom, vận chuyển khác nhau; cũng như các đối tác tái sử dụng, tái chế khác nhau. Do đó, việc thu gom các phế liệu, phụ phẩm được thực hiện triệt để hơn, chất thải được thu gom ngay khi phát sinh, dễ dàng cho việc phân loại, qua đó thúc đẩy hoạt động tái chế.
Kinh tế chia sẻ cũng tạo ra các dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải đa dạng, tiện lợi, thu hút người sử dụng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng bên cạnh dịch vụ thu gom, vận chuyển truyền thống.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một số mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực quản lý chất thải. Các nền tảng thu gom chất thải (như Rada, mGreen, Grac, Ralava, Green Points, Veca) còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ cá nhân/hộ gia đình tham gia và lượng chất thải thu gom còn thấp so với tiềm năng.
Ngoài ra, cũng có một số nền tảng quản lý chất thải do cá nhân, tổ chức ngoài Việt Nam vận hành như ShareWaste, Olio, Recycleinme, tuy nhiên chưa thu hút được nhiều người dùng.
Nguyên nhân chính là do chính sách, pháp luật về chuyển đổi số chưa có các quy định cụ thể về quản lý chất thải trong khi chính sách pháp luật về quản lý chất thải chưa có các quy định cụ thể về chuyển đổi số, về phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế chia sẻ. Thị trường chất thải/phế liệu và dịch vụ quản lý chất thải chưa được vận hành đầy đủ…
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy ứng dụng các mô hình kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải để nhân rộng hơn nữa mô hình này.
Đồng thời, cần phải xây dựng các quy định đối với nhà kinh doanh chất thải, đặc biệt là hoạt động môi giới thông qua nền tảng số, tạo nền tảng pháp lý cho phép thiết lập nền tảng số liên quan tới chất thải hoạt động và được quản lý bởi cơ quan có thẩm quyền. Việt Nam có thể xem xét công nhận lĩnh vực môi giới chất thải và xây dựng quy định đối với đơn vị cung cấp dịch vụ này.
Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật thì việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải và kinh tế chia sẻ cũng vô cùng quan trọng. Sự thành công của các mô hình kinh tế chia sẻ phụ thuộc lớn vào sự tích cực tham gia của cộng đồng.