Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có nội dung quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Theo tính toán, với mỗi năm đóng thừa, người lao động được hưởng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nếu lao động đã đủ tuổi về hưu, đủ điều kiện nhận lương hưu tối đa mà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng thêm bằng 2 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ lao động nam 65 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội 37 năm thì được hưởng lương hưu tối đa 75%. Với 2 năm đóng thừa, lao động sẽ nhận trợ cấp một lần với mức hưởng mỗi năm bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người này tiếp tục tham gia vào quỹ Hưu trí tử tuất (toàn bộ 22%) sau tuổi 65 thì trợ cấp cho mỗi năm thừa bằng 2 lần bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng về cơ bản dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và không thay đổi cách tính lương hưu, mức đóng – hưởng. Tuy nhiên, quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với những người có số năm đóng đạt được và vượt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì nhiều ý kiến cho rằng việc sửa luật lần này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục.
Song lại chưa khắc phục được hạn chế được cho là thiệt thòi đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm và ở lại hệ thống lâu dài, nhóm này đa phần là người cao tuổi có lương hưu thấp. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên xem xét, nghiên cứu có thể bổ sung chính sách khuyến khích đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm và ở lại lâu dài với hệ thống theo hướng có thể nghiên cứu quy định tương tự như việc khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định này. Được biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp này, thông qua tháng 5/2024 và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.