Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì Hội nghị Trao đổi về các kiến nghị của doanh nghiệp đối với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành TT&TT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Cách đây tròn 5 năm, ngày 9/11/2013 được công bố chính thức là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Từ đó đến nay, toàn thể các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức Bộ TT&TT đã tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ riêng trong ngày 9/11 mà trong mọi hoạt động công việc hàng ngày, đặc biệt là công tác xây dựng chính sách pháp luật chuyên ngành TT&TT.
“Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Bộ TT&TT đã chủ trì xây dựng nhiều nghị định, quyết định của Thủ tướng, và ban hành 53 thông tư. Nhìn chung, các văn bản được ban hành đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nắm bắt những bất cập về chính sách, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, đồng thời hướng dẫn tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tuân thủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực TT&TT.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng đã được các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ với lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Đáng chú ý như: Cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ phát bưu gửi thu tiền (COD) trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nhu cầu chuyển phát thương mại điện tử ngày càng lớn, và có nguy cơ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát lạm dụng tiền của khách hàng.
Hoặc cần xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy định về hợp đồng dịch vụ bưu chính điện tử và phương thức người nhận ký nhận trực tiếp qua ứng dụng di động hoặc qua website.
Ảnh minh họa: Internet |
Hoặc Nghị định số 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2018) có hai quy định có vẻ mâu thuẫn nhau, một yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phải kết nối hệ thống Internet lên hệ thống của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia để người ký số có thể kiểm tra trạng thái chứng thư số xem còn thời hạn hay không, một lại yêu cầu hệ thống của doanh nghiệp phải cách ly với Internet, vô hình chung kiểu gì doanh nghiệp cũng bị vi phạm.
Ngoài ra còn có nhiều kiến nghị khác của doanh nghiệp liên quan tới các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT như xuất bản, viễn thông, tần số vô tuyến điện…
Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ TT&TT ghi nhận và giải đáp, song vẫn có những phần giải đáp chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Vụ Pháp chế tổng hợp các vấn đề trao đổi thảo luận rồi chuyển cho các đơn vị liên quan để đốc thúc giải quyết các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp.
Mặt khác, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần có tổ chức pháp chế và những người chuyên làm công tác pháp chế để kịp thời nhận ra những vấn đề nảy sinh trong các văn bản ban hành.
“Mong các doanh nghiệp tăng cường đội ngũ này và có trách nhiệm hơn trong việc tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Theo kinh nghiệm ở nhiều nước, các doanh nghiệp đều có tổ chức pháp chế và nắm rất chắc các quy định chuyên ngành”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói.