Bên cạnh việc đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc chủ quyền của phía Trung Quốc và những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các học giả Việt Nam ở cả trong và  ngoài nước còn nỗ lực tìm kiếm các bằng chứng lịch sử để bổ sung thêm cơ sở pháp lý cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

>>Tranh chấp biển Đông: Lí lẽ cho niềm tin

>>"Học thuật hóa" tranh chấp biển Đông

Những người truyền thông điệp

Trên lĩnh vực học thuật, có rất nhiều diễn đàn đã được mở để các học giả đấu tranh ngoại giao cũng như tìm kiếm những giải pháp thỏa đáng cho vấn  đề Biển Đông. Hiện nay, do sự tăng tốc tuyên truyền của các bên tại biển Đông đã khiến cho lượng thông tin trái chiều và thiếu tính thống nhất xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng nguy hiểm hơn, rất nhiều thông tin được ngụy tạo vì các mục đích chính trị với nhiệm vụ làm nhiễu thông tin chính thống và tạo ra các thông tin có lợi cho tuyên truyền. Như sự việc một tàu cảnh sát biển Việt Nam đuổi bốn tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta vào đầu tháng 7/2012 cũng bị cắt ghép, xuyên tạc thành bốn tàu hải giám đuổi tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc.

Điều này đã khiến cho nhu cầu tiếp cận các nguồn thông tin chính thống ngày càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn. Tuy nhiên, các tuyên bố ngoại giao dường như không thể tạo ra hiệu quả tuyên truyền thuyết phục khi tất cả các bên đều tuyên bố là chủ quyền không thể chối cãi. Do đó, nhu cầu về một nguồn thông tin chính xác, khoa học và dựa trên các cơ sở pháp lý chắc chắn đang dần trở thành nhiệm vụ tối ưu cho nền ngoại giao học thuật cũng như trách nhiệm thiêng liêng đối với các học giả Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Một trong những sự kiện nổi bật đầu tiên là việc các học giả Việt Nam phát hiện lỗi sai trong bản  đồ về Hoàng Sa của Hội địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society – NGS) và đệ trình lên chính phủ, yêu cầu NGS sửa đổi vào tháng 3 năm 2010. Bản đồ của NGS chú thích Hoàng Sa là  Tây Sa Quần đảo thuộc Trung Quốc, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù NGS chỉ là một tổ chức tư nhân và bản đồ của họ cung cấp không có giá trị pháp lý, nhưng các thông tin sai lệch sẽ gây tác động tiêu cực tới nhận thức của người dân quốc tế và ảnh hưởng không tốt tới quá trình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, nhất là khi NGS là một trong những tổ chức về địa lý hàng đầu thế giới.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng trong tháng 3 năm 2010, các học giả Việt Nam lại tiếp tục phát hiện ra những thông tin sai của Google Map về lãnh thổ  Việt Nam. Bản đồ trực tuyến của Google Map đã vẽ  sai rất nhiều chỗ về lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là một số phần lãnh thổ của Việt Nam ở hai thành phố Lào Cai và Móng Cái  đã thuộc Trung Quốc. Các thông tin này hoàn toàn không có  giá trị pháp lý nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức quốc tế khi mà Google là công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới. Việc phát hiện sớm và yêu cầu sửa sai từ phía Việt Nam đã góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn cho cộng đồng quốc tế về lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi đã giải quyết được vấn đề sửa lại chú  thích của NGS về Hoàng Sa, các học giả Việt Nam lại tích cực đề nghị đổi tên quốc tế  của biển Đông từ biển Nam Trung Hoa (South China Sea) thành biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea). Mục  đích của việc đổi tên này không chỉ là  để phù hợp với vị trí địa lý của vùng biển, mà còn góp phần bẻ gãy luận điểm  “Biển Nam Trung Hoa là của Trung Quốc”, giúp cộng đồng quốc tế không bị rơi vào chỉ dẫn sai lầm của một “sự thật ngầm hiểu”. Tên biển Nam Trung Hoa không thể hiện biển thuộc Trung Quốc, nó chỉ đơn giản là một cái tên được các nhà hàng hải thời xưa đặt để tiện gọi, nhưng Trung Quốc lại sử dụng cái tên này để xuyên tạc và làm cộng đồng quốc tế tin rằng cái tên cũng là một cơ sở để Trung Quốc tuyên bố “vùng nước lịch sử” nằm trong “đường lưỡi bò” là của Trung Quốc.

Hơn nữa, một tên gọi quốc tế trung lập hơn sẽ thể hiện sự thống nhất và đoàn kết của các nước Đông Nam Á, là cơ sở để có thể xây dựng các cuộc đàm phán đa phương trên biển Đông. Trong khi Trung Quốc luôn khăng khăng tranh chấp biển  Đông là vấn đề nội bộ cần giải quyết song phương để có thể “bẻ đũa từng cái”, thì đàm phán đa phương sẽ tăng thêm thế  và lực cho các nước Đông Nam Á nhỏ bé trong cuộc đấu tranh chống lại các hành vi ngang ngược của người hàng xóm khổng lồ.

Đến năm 2011, học giả Việt Nam lại một lần nữa thể hiện tầm quan trọng của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước khi phát hiện ra “đường lưỡi bò” trong bản đồ vùng biển khu vực Đông Nam Á tại Google Map phiên bản tiếng Hoa. Đây không phải là lần đầu tiên Google Map có  “sai sót khách quan” theo hướng có lợi cho Trung Quốc, mà dường như phía Trung Quốc đang có một chiến lược tung hỏa mù cộng đồng quốc tế bằng các thông tin sai lệch thông qua các công ty và tổ chức tư nhân. Nhận thức được sự nguy hiểm từ các sai sót nghiên trọng gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích và xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, các học giả đã phản đối và viết thư yêu cầu sửa sai tới Google Map, đồng thời gửi thư lên Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo về điều này.

Bên cạnh việc đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc chủ quyền của phía Trung Quốc và những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các học giả Việt Nam ở cả trong và  ngoài nước còn nỗ lực tìm kiếm các bằng chứng lịch sử để bổ sung thêm cơ sở pháp lý cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể là trong việc nghiên cứu các bản đồ cổ của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây.

Như việc  Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) và nhóm nghiên cứu của anh, với nguồn kinh phí do UBND TP Đà Nẵng cấp, đã sưu tầm được 56 bản đồ cổ của phương Tây vẽ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Sự kiện này không chỉ là một bước tiến quan trọng của ngoại giao học thuật Việt Nam, mà hơn thế nữa, nó còn cho thấy hiệu quả của công tác đầu tư cho ngoại giao học thuật từ nguồn kinh phí chính phủ.

Hay gần  đây nhất là sự kiện anh Trần Thắng (chủ  tịch Viện Văn hóa – giáo dục Việt Nam tại Mỹ)  đã tặng cho Đà Nẵng 150 bản đồ và tư liệu chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam và không hề nằm trong các bản đồ cổ  của Trung Quốc. Các bản đồ này hầu hết đều là các bản đồ có giá trị pháp lý  và đảm bảo về tính lịch sử của nó  khi có tới 110 bản đồ là tư liệu gốc xuất bản từ 1626 – 1980. Trong đó có 3 cuốn Atlas rất quý (2 cuốn là “Trung Hoa dân quốc dư đồ”, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu vào năm 1919  và 1933 ở Nam Kinh, cuốn còn lại là bản đồ về “Năng lượng và dầu khí của Trung Quốc” do Bộ Nội vụ Mỹ nghiên cứu) đều cho thấy điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và không hề có Trường Sa và Hoàng Sa như Trung Quốc đòi hỏi.  Mặc dù không nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước, nhưng với lòng yêu nước, các học giả nước ngoài vẫn luôn nỗ lực và sưu tập được những cơ sở pháp lý hiệu quả cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các hành động mạnh mẽ và kịp thời của các học giả đã giúp bảo vệ hiệu quả hơn chủ quyền  đất nước, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn về chủ quyền của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Hiện nay các học giả Việt Nam đang tích cực thực hiện các nghiên cứu về biển đảo Tổ  quốc và công bố kết quả trên các tạp chí  khoa học uy tín của quốc tế để thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và chống lại các chiêu thức tuyên truyền mờ ám của kẻ thù. 

Để có thể giúp đỡ tích cực hơn cho các học giả, Nhà nước cần xây dựng một chiến lược đồng bộ, lâu dài để hỗ trợ các nhà  khoa học nghiên cứu vì hiện nay, họ chính là  phòng tuyến đầu tiên quan trọng nhất trong việc bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

Nhìn nhận về vai trò của “học thuật hóa” trong việc định hình chính sách biển Đông của Việt Nam, thạc sĩ Trương Minh Huy Vũ (nghiên cứu sinh tại đại học Bonn, CHLB Đức) nhận định:

Hiện nay, chìa khóa vàng mà giới khoa học Việt Nam đang sở hữu chính là tính "hợp lý hơn" của lý lẽ. Một lập luận có tính hợp lý hơn không những tạo sự chính đáng cho các quan điểm, mà còn là một tiền đề quan trọng góp phần xây dựng kiến thức chung về vấn đề tranh cãi. Mặt khác, vấn đề tranh chấp hiện tại đang đi vào một khúc quanh pháp lý rất quan trọng, mà điểm đầu tiên của mọi câu chuyện là phải làm sao định nghĩa lại những khái niệm cần giải quyết. Trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền tại biển Đông hiện nay, để có thể giữ vững “chủ quyền” trên mặt trận thông tin-tuyên truyền, một chiến lược về “học thuật hóa” đang cần được khởi động.

Để làm được điều này, Việt Nam cần có một “nhạc trưởng” trong nghiên cứu chủ quyền và một phương pháp tiếp cận khoa học hợp lý. Việc thành lập Viện Biển Đông mới đây của Chính phủ là bước đi cần thiết khi viện được coi là trung tâm nghiên cứu chuyên ngành lớn đầu tiên về biển Đông. Viện Biển Đông sẽ giúp thúc đẩy các nghiên cứu toàn diện đầy đủ về Biển Đông, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đồng thời giúp khẳng định, đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu chỉ hoạt động như chức năng của một viện nghiên cứu đơn thuần là chưa đủ khi thực trạng các cơ quan nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam cũng như đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu biển Đông còn thiếu hụt. Mà xa hơn, Viện Biển Đông cần trở thành đầu tàu định hướng và liên kết thêm những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu khác ở các trường Đại học và các Viện nghiên cứu để từ đó tạo ra một hệ thống nghiên cứu rộng khắp và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong quá trình ngoại giao học thuật về biển Đông.

Kì cuối: Mượn sức người làm sức mình

Vũ Thành Công (IRYS)