Đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet là bước tiến căn bản để tạo ra niềm tin số. Phải có niềm tin số thì mới có chuyển đổi số. Làm gì để người dân củng cố niềm tin số, VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài viết phản ánh về vấn đề này.
Khi người dùng tự bơi
Để phòng tránh quá nhiều cuộc gọi rác và lừa đảo, thời gian qua nhiều người đã tiến hành cài phần mềm thứ 3 lên smartphone của mình. Phần mềm này tương tự một nền tảng mạng xã hội xuyên quốc gia, hoạt động theo cơ chế báo cáo, mà ở đó người dùng có thể hỗ trợ bằng cách báo cáo các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo lên. Khi số điện thoại này gọi đến, người dùng khác phần mềm sẽ đưa ra cảnh báo.
Phần mềm liên tục cập nhật danh sách các số điện thoại mới để người dùng tải về thường xuyên vào máy của mình.
Tuy nhiên, có một trở ngại là người dùng sẽ mất phí nếu như muốn được bảo vệ tốt hơn và phải thao tác thủ công khi cập nhật danh sách mới đi kèm với quảng cáo. Bên cạnh đó, khi không biết ai là người tạo ra phần mềm này, cùng với việc can thiệp sâu vào máy, người dùng cũng nghi ngại phần mềm sẽ đánh cắp dữ liệu cá nhân trên máy của mình lúc nào không biết.
Một cách nữa mà một số người dùng hay làm khi nhận các số điện thoại làm phiền là họ chuyển tiếp cuộc gọi qua một SIM số ở một điện thoại khác, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Hay trên mạng xã hội, nhiều người tự lập ra các group để đưa các số điện thoại lừa đảo lên để cảnh báo cho những người khác… Tuy nhiên, các giải pháp này thực tế không đem lại hiệu quả cao.
Nhà mạng cần chặn từ gốc
Khi phóng viên VietNamNet trao đổi với các nhà mạng về việc liệu có áp dụng được một giải pháp từ gốc để ngăn chặn cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo đến người dùng hay không, đại diện Viettel cho biết: Ngoài kênh tiếp nhận phản ánh của người dân qua tổng đài 156, 5656 của Bộ TT&TT, nhà mạng này cũng đã triển khai hệ thống Antispam call ứng dụng công nghệ AI (Pattern Matching), Big data để nhận diện nhanh các thuê bao phát tán cuộc gọi rác.
Ngoài ra, nhà mạng có ứng dụng My Viettel để khách hàng chủ động phản ánh khi bị nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.Viettel đang triển khai các giải pháp trên ứng dụng này để người dân chủ động ngăn chặn các cuộc gọi rác, lừa đảo không mong muốn.
Đại diện của MobiFone cũng đưa ra câu trả lời tương tự, khi hiện nay tuân thủ các giải pháp giám sát, ngăn chặn cuộc gọi rác của Bộ TT&TT. Ngoài kênh tiếp nhận phản ánh của người dân qua tổng đài 156/ 5656 của Bộ TT&TT, Tổng đài hỗ trợ khách hàng của MobiFone, nhà mạng đã chủ động xây dựng hệ thống tự động giám sát và ngăn chặn thuê bao gọi rác (Hệ thống SPAMCALL) tuân thủ theo Nghị định 91 và Quy định của cơ quan Quản lý Nhà nước để ngăn chặn kịp thời thuê bao gọi điện làm phiền khách hàng.
Có một thực tế là các giải pháp nhà mạng đưa ra từ trước đến nay chỉ giải quyết được phần ngọn và hoạt động không hiệu quả. Bởi cơ chế báo cáo này đang chỉ ở một chiều. Đó là người dùng báo cáo lên cho nhà mạng và họ cũng không thể nắm được là sau khi báo cáo, nhà mạng có làm gì hay không. Không những thế, người này báo lên đó là cuộc gọi rác, lừa đảo, nhưng người khác lại cho đó là số bình thường thì nhà mạng sẽ xử lý thế nào. Một điều nữa là khi báo cáo số này là cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, người dùng lại tiếp tục nhận được cuộc gọi từ các số khác, nên thực tế cũng không giải quyết được vấn đề.
Còn ở giải pháp thông qua phần mềm My Viettel người dùng cũng rất mất công, vì phải vào tận ứng dụng để báo cáo. Họ cũng không biết nhà mạng sẽ xử lý ra sao với báo cáo đó do mình gửi lên.
Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là nhà mạng cần phải có một giải pháp toàn diện hơn để thay đổi cách làm đang không hiệu quả như hiện nay. Các chuyên gia nhìn nhận: Nếu các nhà mạng cùng chung tay phát triển một phần mềm hoạt động theo cơ chế hai chiều một cách công khai và minh bạch sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với cách làm cũ như hiện nay, và sẽ giải quyết được vấn đề từ gốc.
Đầu tiên, phần mềm này do chính các nhà mạng đưa ra, người dân sẽ an tâm khi cài vào máy mình để sử dụng, giải quyết được những nghi ngại về an toàn số.
Thứ hai, với cơ chế hai chiều, tức là người dân và nhà mạng cùng thực hiện, sẽ thay thế cách làm cũ là báo cáo một chiều như trước đây. Khi đó, những thông tin về thuê bao mà người dân báo cáo lên, nhà mạng phải xử lý và công khai ngược trở lại cho họ trên phần mềm. Lúc này, người dân sẽ an tâm hợp tác vì việc báo cáo của họ đã được nhà mạng ghi nhận và đưa ra giải pháp xử lý một cách rõ ràng.
Thứ ba, với giải pháp này cũng không tạo ra sự độc đoán của nhà mạng khi muốn chặn ai thì chặn, bởi người dùng họ có quyền chọn nghe cuộc gọi hay chặn luôn, khi đã biết tính danh của cuộc gọi đến. Ngoài ra, với các số có nội dung lừa đảo được báo cáo nhà mạng cũng có thể chặn ngay từ gốc, để không đem lại phiền hà cho người dân.