Các công nghệ mới Big Data, Blockchain… được DTT ứng dụng vào triển khai chính quyền điện tử

Ngày 19/12 vừa qua, Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của tỉnh Đồng Tháp đã chính thức được khai trương, đi vào hoạt động. Nhân dịp này, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty DTT xung quanh câu chuyên xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Việt Nam:

Xin ông cho biết những kết quả mà DTT đã đạt được thời gian qua ở hướng tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Việt Nam?

Sau thời gian đưa hệ thống chính quyền điện tử được coi là toàn diện nhất của một địa phương vào Đà Nẵng, trong các hội thảo gần đây, chính quyền điện tử tại Đà Nẵng vẫn được đánh giá là tốt nhất, có hiệu quả đầu tư cao so với các địa phương khác. Điều này được thể hiện ở chỉ số ICT, thước đo mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Liên tục trong 9 năm qua, Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index. Số lượng hồ sơ, số lượng tương tác mà chúng tôi nhận được, theo số liệu thống kê trên hệ thống chính quyền điện tử tại Đà Nẵng cũng tăng trưởng rất tốt.

Hiện tại, hệ thống chính quyền điện tử đã phục vụ hầu hết các công chức tại Đà Nẵng với gần 1.000 tài khoản sử dụng email, văn bản điều hành, dịch vụ công một cửa, phản hồi giao tiếp với người dân cũng như hệ thống nghiệp vụ để có được sự số hóa chức năng cần thiết của chính quyền Đà Nẵng. Sau 3 năm, số lượng hồ sơ trực tuyến của thành phố đạt được con số ấn tượng, lên tới 1/3 số lượng giao dịch trực tiếp. Văn bản điều hành cũng được sử dụng từng giây, từng phút.

Đặc biệt, tại Đà Nẵng, chúng tôi đã đi đầu trong việc triển khai hệ dữ liệu mở và hệ thống tương tác với người dân. Hiện nay, người dân có thể chụp ảnh và đưa ý kiến của mình lên hệ thống góp ý qua ứng dụng “Góp ý” để phản hồi chính quyền, tạo ra hệ thống số hóa hỗ trợ chính quyền có thông tin và ra quyết định, tương tác với người dân. Từ đây, hệ thống này được phát huy với phiên bản ở Bắc Ninh, Ngô Quyền (Hải Phòng) và gần đây nhất là Đồng Tháp, mang lại những lợi ích quan trọng như thời gian triển khai nhanh, tổng thể. Khi triển khai, chúng tôi luôn xây dựng năng lực nội tại của chính quyền để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả chứ không coi là vấn đề thành tích.

Tại các ngành cũng vậy. Từ dịch vụ công trực tuyến mức 4 ở Bộ Y tế, tới nay chúng tôi đã triển khai hàng loạt hệ thống dịch vụ công mức 4. Song song với đó, chúng tôi luôn chú trọng phát triển hệ thống nghiệp vụ để hướng tới vấn đề số hóa, tạo ra dữ liệu. Ví dụ, tại Bộ Y tế, chúng tôi đã hoàn thiện bệnh án điện tử, kết nối các bệnh viện với nhau, sử dụng chuẩn HL7; hay toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu cấp phép biển hiệu của Bộ Giao thông Vận tải hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ số, dân cư tới thủ tục hành chính của các địa phương.

Chúng tôi nghĩ rằng kinh nghiệm mà DTT có được, học được trong 2 năm triển khai chính quyền điện tử vừa qua không chỉ gói gọn trong vấn đề công nghệ - dù chúng tôi đã mở rộng thêm nhiều chức năng như BigData hay Blockchain để ứng dụng - mà quan trọng hơn, chúng tôi hiểu và bám sát tiến trình phát triển năng lực điều hành chính quyền tại các địa phương, các ngành. Tôi tin rằng, trong giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều phiên bản của chính quyền điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Vậy phản hồi của những cơ quan, đơn vị đã sử dụng hệ thống do DTT triển khai ra sao, thưa ông?

Những hệ thống chúng tôi đã triển khai như ở Đà Nẵng được người dân coi như một công cụ không thể thiếu. Bạn có thể thấy trong hệ thống “Góp ý” của Đà Nẵng, người dân đã liên tục góp ý kiến và được chính quyền phản hồi; các dịch vụ công được người dân sử dụng rất nhiều. Tuy vậy, tôi cho rằng, phản hồi quan trọng hơn là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến hay chính quyền điện tử của chúng tôi đã có được sự đón nhận, được sử dụng và giúp chuyển đổi năng lực của chính quyền. Đến nay, 100% số hệ thống DTT đã làm đều được đưa vào sử dụng, dù mức độ sử dụng khác nhau.

Đơncử như, tại Bộ Y tế, có những thủ tục không dùng tới giấy nữa, sử dụng gần như hoàn toàn trực tuyến như việc cấp phép quảng cáo an toàn thực phẩm. Các hệ thống đã thành xương sống, giúp ích rất nhiều như giao dịch một cửa cấp biển hiệu tại Bộ Giao thông Vận tải. Kênh tương tác giữa Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn được đưa ra theo sáng kiến Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động; trong những ngày đầu triển khai đã có hàng nghìn ý kiến được người dân gửi lên. Hệ thống tiếp nhận của Văn phòng Chính phủ đã phải thành lập nhóm làm việc liên tục, sau đó phải xây dựng năng lực để phản hồi và xây dựng quy trình điều chỉnh quy cách phản hồi từ các bộ phận trong chính quyền.

Các công nghệ mới Big Data, Blockchain… được DTT ứng dụng vào triển khai chính quyền điện tử

Về khía cạnh công nghệ, DTT đã và đang ứng dụng những công nghệ mới nào trong việc triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử cho các bộ, ngành, địa phương?

Chúng tôi đã đưa BigData vào xử lý phản hồi và theo dõi ứng xử, hành vi của người dân, chính quyền trong tương tác với nhau, từ đó có hiểu biết về nhu cầu thực sự của người dân, doanh nghiệp. Hiện chúng tôi dùng BigData để lắng nghe ý kiến của người dân trên toàn mạng xã hội, giúp lãnh đạo điều hành và ra quyết định.

Blockchain là một công nghệ mới được DTT ứng dụng để chứng thực các giao dịch của chính quyền, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, hồ sơ điện tử. Tầm nhìn của chúng tôi là công dân không phải nộp lại hồ sơ đã nộp một lần trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Và ứng dụng Blockchain vô cùng thích hợp để hiện thực hóa tầm nhìn này.

Ngoài ra, các hệ thống chính quyền điện tử khi mở rộng ra chính quyền số đã tạo nền tảng dẫn tới vấn đề xử lý dữ liệu, khoa học dữ liệu, từ đó gắn với nền tảng IoT - nền tảng mà DTT đã đầu tư nhiều năm để tạo ra sự phát triển bền vững cho chính quyền số, hướng tới đô thị thông minh.

Những công nghệ chúng tôi đã làm liên tục được cải thiện như các ứng dụng trên điện thoại di động hay các hệ thống trên đám mây, khả năng giám sát và ngăn chặn rủi ro an ninh hay làm sao để những hệ thống lớn, nhiều người sử dụng có thể hoạt động 24/7.

Từ kinh nghiệm của đơn vị đã triển khai mô hình chính quyền điện tử cho hàng chục bộ, ngành, địa phương, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính tại Việt Nam?

Tôi cho rằng, quyết tâm chính trị của Chính phủ và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng chính quyền điện tử song song với cải cách hành chính trong những năm qua. Tuy nhiên, theo chính sách và quy định của Bộ TT&TT thì việc triển khai chính quyền điện tử mới ở giai đoạn 1 - đẩy mạnh dịch vụ công cũng như một vài thành phần căn bản quan trọng như văn bản điều hành. Mặc dù vậy, theo tôi chúng ta chỉ nên coi CNTT hay chính quyền điện tử đều là công cụ để thực hiện những mục tiêu lớn hơn.

Hướng theo cải cách hành chính là một định hướng đúng đắn. Nhưng nhìn xa hơn nữa, cải cách hành chính phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, hiện vẫn còn khoảng cách giữa việc ứng dụng, triển khai chính quyền điện tử với việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, các ngành. Nếu tỉnh nào cũng triển khai mô hình, dịch vụ công giống nhau thì sẽ không phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương mình. Chẳng hạn, những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nên tập trung ứng dụng chính quyền điện tử vào hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Mặc dù vậy, cái gì cũng cần có giai đoạn. Chúng tôi đánh giá đây là giai đoạn cần tính toán kỹ thay vì triển khai đồng loạt dịch vụ công, cần phải lựa chọn theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để đảm bảo sự hỗ trợ, phục vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, cần hướng sự quan tâm sang dữ liệu công - tức là chia sẻ dữ liệu để doanh nghiệp và người dân làm giàu từ đó.

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ TT&TT hồi tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, quan trọng hàng đầu là phải vượt qua tâm lý ngại dùng CNTT. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Thủ tướng nói hoàn toàn chính xác! Hệ thống CNTT làm ra mà người sử dụng còn có những nghi ngại hoặc nhận thức không đúng thì dù có đầu tư tiền bạc, nó vẫn sẽ không được sử dụng. Thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy đã có sự chuyển biến trong việc triển khai ứng dụng chính quyền điện tử do yêu cầu cải cách hành chính. Việc làm ra các kiến trúc chính quyền điện tử gắn với điểm về cải cách hành chính hay đo đạc các dịch vụ công gắn với cải cách hành chính đã tạo ra nhận thức mới. Dù vậy, theo tôi đây vẫn là nhận thức ép buộc!

Ở một góc độ nào đó, việc ép buộc này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đề bền vững, không thể chỉ dựa vào tiếp cận từ trên xuống mà còn cần tiếp cận từ dưới lên. Làm sao để bản thân chính quyền hay bộ, ngành có nhu cầu phát triển trong lĩnh vực nhất định, đặc biệt là phát triển kinh tế thì họ sẽ tìm tới ứng dụng CNTT như công cụ hiệu quả để giúp họ, thay vì chỉ dừng lại ở ứng dụng truyền thống.

Theo tôi, cần chuyển từ nhận thức phải làm sang cần làm. Hy vọng giai đoạn tới chúng tôi có được những ví dụ điển hình như Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng để các ứng dụng chính quyền điện tử giải quyết được các vấn đề nóng mà chính quyền đang cần làm chứ không phải là phải làm.

Nếu làm ra hệ thống mà người dùng không sử dụng thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, cần đặt ngược lại vấn đề, nếu chúng ta không làm ra hệ thống thì sẽ không bao giờ người dùng có cơ hội sử dụng. Cần tính toán để trong giai đoạn khởi động vẫn phải làm hệ thống để người dân, doanh nghiệp biết tới và sử dụng, sau đó lấy ý kiến của họ để hướng tới xây dựng hệ thống hiệu quả hơn.

Mặc dù lo ngại về chuyện đầu tư và cần phải tính toán xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nhu cầu thực tế, nhưng chúng ta cũng cần chấp nhận thực tế là phải làm ra để người dân có sử dụng thì mới tính tới giai đoạn hiệu quả hóa được.

Xin cảm ơn ông!