Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đến năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ.
Thanh toán phi tiền mặt giúp phát triển nền kinh tế chia sẻ
Trong 2 năm trở lại đây, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc đã được ứng dụng một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tăng 81%, giá trị giao dịch qua Internet cũng tăng 67% so với trước.
Theo số liệu thống kê của We are social, khoảng 40% dân số Việt Nam hiện có tài khoản ngân hàng. |
Cả nước hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Tính đến hết tháng 9/2017, số lượng thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam đạt hơn 90 triệu giao dịch, giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng.
Các công nghệ, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên đa dạng, các ngân hàng và các công ty Fintech đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng các thiết bị di động.
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt.
Mục tiêu tổng thể của kế hoạch này là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ. Bên cạnh đó, kế hoạch này sẽ tập trung phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng xa, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên ít nhất 70% vào cuối năm 2020.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về việc phát triển nền kinh tế phi tiền mặt. Ảnh: Trọng Đạt |
Trước vấn đề thúc đẩy hình thức thanh toán phi tiếp xúc nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ phải là người kiến tạo hệ sinh thái, môi trường phù hợp với thời đại, là người bảo trợ, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, bước nhảy công nghệ giờ đây đã giảm xuống chỉ còn 10 năm thay vì 20 năm như trước đây. Do đó, các doanh nghiệp không có tư duy kinh doanh mới sẽ bị tụt hậu.
"Trong điều kiện nền kinh tế chia sẻ, các doanh nghiệp phải có mối liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa một bên là fintech, một bên là các doanh nghiệp ngân hàng tài chính để có thể tồn tại và phát triển", vị Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Theo ông Đào Minh Tuấn - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, nước ta hiện có tổng cộng 77 triệu thẻ đang lưu hành. Tuy nhiên, rất nhiều thẻ trong số này có lượng thanh toán thấp, thậm chí không thanh toán nhưng vẫn lưu hành, ông Tuấn nói.
Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. |
Có một điều đáng lưu ý khi tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Lượng giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam thấp hơn khu vực. Nguyên nhân của điều này là do thói quen, tập quán, suy nghĩ của người dân Việt Nam.
Lý giải về điều này, vị Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam hiện có nhiều rào cản trong việc sử dụng thẻ thanh toán online. Thứ nhất, người dùng cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân. Người dùng cảm thấy thanh toán bằng tiền mặt tiện và an toàn hơn. Bên cạnh đó, đa phần phân tâm lý người mua muốn nhận và kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
Lượng giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. |
Để thúc đẩy việc thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam, ông Đào Minh Tuấn đưa ra các nhóm giải pháp bao gồm việc tiếp cận các công nghệ mới và thay đổi chính sách.
Theo ông Tuấn, các ngân hàng cần áp dụng một cách đồng bộ các công nghệ và giải pháp thanh toán mới để tăng tiện ích cho người dùng thẻ.
Các giải pháp này bao gồm việc áp dụng thanh toán tokenization (mã token dùng thay cho số thẻ) trong giao dịch trực tuyến và thanh toán tại POS, liên kết với các đối tác phát triển ứng dụng thanh toán trên di động. Bên cạnh đó là việc triển khai thanh toán bằng mã QR (QR code) tại các điểm bán hàng nhỏ lẻ, đặc biệt là giới tiểu thương để tạo thói quen mới cho người dùng.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam chia sẻ các giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Trọng Đạt |
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần đơn giản hoá thủ tục phát hành thẻ, hướng tới việc cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá dịch vụ, giảm các loại phí và đơn giản hoá trải nghiệm sử dụng dịch vụ thẻ cho người dùng.
Về phía nhà nước, ông Tuấn cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong lĩnh vực tài chính, triển khai việc thanh toán giao thông công cộng qua dịch vụ thẻ và thiết lập mã QR chuẩn cho thị trường Việt Nam.
Vị Chủ tịch hội thẻ ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước nên xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức thanh toán mới, bắt buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải trả lương qua thẻ, có chế tài bắt buộc các đơn vị công và cơ sở kinh doanh chấp nhận thanh toán thẻ và tiến hành giảm thuế cho các đối tượng này.
Trọng Đạt
Viettel gia nhập thị trường thanh toán phi tiền mặt Việt Nam
ViettelPay cũng cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt đến tận nhà trong vòng 2 giờ hoặc tại hơn 100.000 điểm cung cấp dịch vụ, ở tất cả các quận/huyện, phường/xã trên toàn quốc.
Vietnam Airlines hợp tác VNPAY thanh toán mua vé bằng QR CODE
“Cái bắt tay” giữa Vietnam Airlines và VNPAY là dấu mốc đánh dấu nỗ lực của ngành hàng không trong việc ứng dụng công nghệ QR Code, cho phép khách hàng thanh toán vé máy bay theo phương thức hoàn toàn mới.
Xu hướng tương lai: Thanh toán không dùng tiền mặt
Khi thương mại điện tử trở thành xu hướng mua sắm mới thì thanh toán di động (TTDĐ), thanh toán trực tuyến (TTTT) cũng lên ngôi.
VNPAY hợp tác UnionPay hỗ trợ thanh toán bằng mã QR
Người sử dụng dịch vụ mobile banking của nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam có thể thanh toán tiền qua mã QR trên diện thoại thay vì quẹt thẻ như thông thường.
Thanh toán qua di động sẽ bùng nổ tại Việt Nam?
Với tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lên đến 72% và ngày càng gia tăng, thanh toán di động được dự đoán sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai.