Bệnh nhân P.T.M (60 tuổi, trú Sóc Sơn, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật. Tại Trung tâm Chống độc, bác sĩ chẩn đoán bà M. ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.
Bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày, tá tràng, đại tràng; u tuyến giáp; tê bì tay chân… Nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống nước chữa bách bệnh gần nhà, bà vội tìm đến. Người phụ nữ này được hướng dẫn uống nước lấy từ máy lọc, pha thêm chút muối, không ăn gì. Ngày bà uống 5-6 lít nước, trong 10-15 ngày.
Sau 5 ngày áp dụng cách điều trị trên, bà M. không thể đứng vững và nôn liên tục, phải nhập viện.
Cuối tháng 9, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh uống loại nước được giới thiệu là “nước kiềm” chữa bệnh. Ba bệnh nhân bị suy thận đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, đã tự ngừng chạy thận, xuống Hà Nội uống nước và nhịn ăn tương tự bà M.
Sau vài ngày, cả ba đều khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do biến chứng quá tải dịch trên nền suy thận mạn. Các bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay người khỏe mạnh nếu uống quá nhiều nước sẽ gặp nguy hiểm như phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong.
Uống nhiều nước kiềm còn làm thay đổi pH của máu, nhiễm kiềm chuyển hóa. Người bệnh bị rối loạn cảm giác, hôn mê, hạ kali máu dẫn tới loạn nhịp tim, liệt, hoạt động của nhiều enzym bị giảm, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân có dấu hiệu bệnh lý nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra, không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ loại nước nào có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.