Cách phát triển của du lịch Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, định hướng chiến lược và cơ chế hoạt động bài bản. Vì thế rất cần một ISO cho du lịch Việt.
Chuyên nghiệp nhìn từ điểm đến
Một trong những điểm đến nổi tiếng ở phía Bắc, Hạ Long đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhất là khi UBND tỉnh Quảng Ninh giao vịnh Hạ Long cho TP. Hạ Long quản lý.
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch - UBND TP.Hạ Long, kể rằng, trước đây, vịnh Hạ Long nhận được nhiều phản hồi không tốt, thiếu thiện cảm, để lại ấn tượng xấu từ khách du lịch về nạn chèo kéo mua hàng, chặt chém khách,... Với cách quản lý mới, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình hình nay đã khác.
Hạ Long ngày càng thu hút khách du lịch |
“Chúng tôi đã đình chỉ tới 117 chuyến tàu trong một năm, không cho ra vịnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra nhiều vấn đề nội bộ như: cháy tàu hay để khách mất đồ trên tàu không có người chịu trách nhiệm, đi ăn nhà hàng nói vống số cân lên để ăn tiền, chia hoa hồng của HDV, người lái tàu,… có thể nói tình trạng chặt chém vẫn còn” - ông Sơn cho hay.
Nhân câu chuyện Hạ Long, ông Trịnh Minh Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco), phản ánh, công ty đã có công văn gửi lên UBND TP hỏi về việc có thể thanh toán vé thắng cảnh bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng được không, thay vì hướng dẫn viên phải ôm cả cọc tiền (có khi tới 20-30 triệu đồng) vừa không an toàn, vừa vi phạm quy định của Bộ Tài chính về chính sách thuế, song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ lãnh đạo địa phương.
“Rõ ràng như vậy là điểm đến ứng xử với công ty lữ hành chưa chuyên nghiệp”, ông Tú nhận xét.
Trả lời thắc mắc này của doanh nghiệp lữ hành, ông Sơn cho biết sẽ trao đổi lại để có câu trả lời dứt khoát luôn.
Ông Sơn cũng cho biết, từ giữa năm 2018, từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ mất khoảng 1,5 tiếng, từ Hạ Long ra Móng Cái cũng như vậy... Ngoài ra, các tập đoàn cũng đầu tư phát triển nhiều sản phẩm du lịch ở Hạ Long, nên có thể giữ chân du khách 2-5 ngày. Thành phố cũng đang tiến hành trồng các loại hoa theo tuyến,... giờ nếu về Hạ Long có thể thấy sự thay đổi từng ngày, từng giờ” - ông Sơn khẳng định.
Cần ISO cho ngành du lịch
Tại hội thảo về Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, do Tổng cục Du lịch phối hợp với báo Lao động, tổ chức ngày 29/8, bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc công ty du lịch Vietravel, cho rằng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch thể hiện ở ngay ở sự tiếp đón và nhanh chóng hoàn tất thủ tục của nhân viên hải quan, sự đúng giờ của hướng dẫn viên hay nụ cười khi khách đến nhà hàng, khách sạn,...
Tính chuyên nghiệp của ngành du lịch bắt đầu từ con người (ảnh minh họa) |
Vì thế, theo bà Hương, tính chuyên nghiệp hóa do con người tạo ra và phụ thuộc vào chính những người đang hoạt động trong ngành du lịch và mỗi người dân. Cần có những tiêu chí đánh giá hay quy tắc ứng xử… và khó nhất là vấn đề quản trị sao cho đồng bộ, nhất quán để làm hài lòng du khách.
“Nếu chúng ta có tài nguyên, sản phẩm du lịch tốt, khách sạn, nhà hàng,... mà con người không vận hành tốt thì khó mà chuyên nghiệp được. Do đó, nên tăng cường đào tạo, chuyên nghiệp hóa quản trị ngành du lịch”, bà Hương lưu ý.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group, góp ý, cần tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch.
Chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay - ông Cường nói.
TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Du lịch), thì cho rằng, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính cạnh tranh, trong bối cảnh gay gắt hiện nay. Các nước đều thực hiện chất lượng sản phẩm du lịch một cách bài bản.
Một trong những điển hình thành công là du lịch Hàn Quốc. Bà Lê Thu Trang, Giám đốc Marketing, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm du lịch của nước bạn.
Chẳng hạn, thay vì mô hình “du lịch thăm quan danh thắng” không còn mới mẻ, Hàn Quốc có “những phương thức tiếp cận mới”; hoặc hình thức du lịch theo mùa cũng có hạn chế, do vậy nên khuyến khích “du lịch theo chủ đề” như nghệ thuật biểu diễn, lễ hội, du lịch thể thao, trải nghiệm đặc biệt,...
Song, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, khuyến cáo, việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, phát triển quy mô sản phẩm du lịch đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam cần dựa trên cơ sở một số nguyên tắc phát triển như: phù hợp nhu cầu du khách; lợi thế cạnh tranh của sản phẩm; tính tiện ích của sản phẩm và thỏa mãn kỳ vọng/gây bất ngờ cho khách hàng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, đề nghị Tổng cục Du lịch thiết kế bản đồ ISO của du lịch, cụ thể lập một quy trình đầy đủ của 1 tour du lịch từ A đến Z, như từ quảng bá tới đặt vé máy bay tới cửa khẩu tới taxi tới khách sạn, chỗ ăn uống, chỗ tham quan mua sắm rồi vui chơi giải trí rồi quay lại sân bay. Một lộ trình như thế cần được chuẩn hoá trong đó nêu rõ, ai chịu trách nhiệm khâu nào, phương pháp quản lý ra sao. Bằng cách đó, chúng ta xử lý mặt hạn chế và dần chuyên nghiệp hóa ở mỗi khâu.
Ngọc Hà