Theo số liệu từ Bộ Công Thương, mỗi năm ước tính lượng chất thải sinh hoạt đô thị khoảng 25 triệu tấn, chất thải và phụ phẩm nông nghiệp khoảng 43 triệu tấn; trong đó có rất nhiều chất thải nhựa và túi nilon. Phần lớn lượng chất thải này chưa được tận dụng tái chế để sử dụng làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, có nguy cơ gây ra nhiều sự cố chất thải.
Ông Phạm Trọng Thực, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, sử dụng chất thải công nghiệp làm vật liệu xây dựng, sản phẩm thương mại thiếu và chưa đồng bộ. Còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm từ chất thải công nghiệp, trong khi công nghệ và quy mô tái chế chất thải còn lạc hậu, gây ô nhiễm vì thiếu vốn đầu tư.
Ông Hoàng Quyết Tiến, Công ty Cổ phần An Sinh cảnh báo nguy cơ sự cố chất thải khi Việt Nam vẫn chưa có chế tài phân loại chất thải rắn tại nguồn. Chất thải rắn, đặc biệt là nhựa và túi nilon, vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp ủ yếm khí là chính nên có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí; số ít sử dụng công nghệ đốt thiêu gây phát thải khí độc hại ra môi trường như dioxin, furan…
Theo ông Therus Gieling, đại diện tổ chức GC International, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, nhưng khả năng thu gom, tái sử dụng lại chưa tương xứng, đặc biệt là Việt Nam vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn do thiếu công nghệ và nguồn lực.
Ở vị thế “đầu tàu” kinh tế của cả nước, TP.HCM cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, nguy cơ sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường. Những thách thức này càng trở nên phức tạp hơn khi TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường…
Tại một hội thảo mới đây về kinh tế tuần hoàn, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề xuất: Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp được xem là trung tâm thực hiện và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, cần xây dựng Chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về trách nhiệm của họ đối với sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
“Việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi nilon phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ mô hình xử lý hiệu quả chất thải nhựa và túi nilon, sẽ mở rộng cho các ngành sản xuất khác theo hướng tiếp cận từ nguyên liệu”, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân, đầu tư mạnh mẽ thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc kinh tế tuần hoàn, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn. Có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng).
“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc tích cực nghiên cứu và tạo ra các công nghệ thay thế là một yếu tố đặc biệt cần được chú trọng. Công nghệ mới sẽ giúp giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, từ đó chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho quá trình chuyển đổi trong nước”, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh.