Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. 

img 4479.jpg
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.

Bảo tồn hệ sinh thái biển là một chủ trương lớn của Đảng đã được chỉ ra trong Nghị quyết 36/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên để bảo tồn hệ sinh thái biển hiệu quả cần có sự tham gia của các bên liên quan, nhất là kết hợp bảo tồn với phát triển các ngành kinh tế; một hướng tiếp cận mới có tính toàn cầu là phát triển kinh tế biển xanh sẽ góp phần duy trì hệ sinh thái và thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững.

Thực tế đã chứng minh, khu bảo tồn biển (KBTB) giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển; góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo. Ngoài ra, KBTB có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh mà nguyên nhân chính là do chưa quản lý, kiểm soát có hiệu quả các hoạt động kinh tế ven biển, ven đảo; việc xả thải nước thải chưa qua xử lý, chất thải sinh hoạt trực tiếp ra biển còn khá phổ biến…. Thực trạng đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách với các bộ, ngành, các địa phương ven biển phải có những hành động quyết liệt, kịp thời để từng bước khắc phục hạn chế trên, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển phát triển bền vững.

Được biết, để phát triển mới các KBTB và phục hồi hệ sinh thái biển, nâng diện tích các KBTB, Bộ NN&PTNT đã xây dựng “Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái biển đến năm 2030”. Mục tiêu chung của Đề án là quản lý, bảo vệ tốt hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các KBTB, ven biển đạt khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển các hệ sinh thái biển quan trọng của cả nước.

Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, mở rộng diện tích, phân khu chức năng cho 11 KBTB hiện có của Việt Nam. Đồng thời, thành lập mới và đưa vào hoạt động 5 KBTB, đảm bảo tổng diện tích các KBTB đạt khoảng 0,25% diện tích vùng biển Việt Nam.

Trong giai đoạn này, Đề án đặt mục tiêu sẽ thiết lập vùng bảo vệ và trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển của Việt Nam. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng diện tích vùng biển được phục hồi đạt khoảng 0,2% diện tích các vùng biển của cả nước.

Giai đoạn 2 (đến 2030), Đề án đặt mục tiêu thành lập 13 KBTB, đảm bảo tổng diện tích các KBTB đạt 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam. Quản lý hiệu quả 112 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn đạt 2,5% tổng diện tích vùng biển tự nhiên của nước ta.

Thiết lập vùng bảo vệ và phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển Việt Nam. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng diện tích vùng biển được phục hồi đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển trên cả nước.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV