Sáng 18/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã có buổi báo cáo chuyên đề 1 về “Chuyển đổi số - động lực cho phát triển” tại Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại buổi báo cáo, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số (CĐS) cho các học viên của lớp.
Theo Thứ trưởng, CĐS hiện đang được các nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ, với mỗi cách tiếp cận và đường đi riêng. Trong đó, cách tiếp cận của Việt Nam là CĐS toàn dân, toàn diện.
Cụ thể, đây là cuộc cách mạng toàn dân, tiến hành chuyển đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực và mọi mặt của đời sống; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự phát triển vượt bậc của quốc gia làm đích đến.
CĐS sẽ dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và tiến hành trên 5 lĩnh vực, gồm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường.
Để bảo đảm sự thành công, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, trước tiên phải hiểu đúng về CĐS.
Cụ thể hơn, phải hiểu chuyển đổi là chính, là mục tiêu; nếu chú trọng đến công nghệ mà quên mất chuyển đổi là cách tiếp cận sai; CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ TT&TT đưa ra những yêu cầu cốt lõi, để đảm bảo thành công của CĐS tại Việt Nam. Đó là, CĐS phải là trụ cột được tích hợp trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp chính quyền phải xem CĐS là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, người đứng đầu phải muốn làm, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng.
“Nếu người đứng đầu không muốn làm hay làm theo phong trào thì không nên làm, vì khi đó vừa không đạt hiệu quả, vừa gây lãng phí về tiền bạc và thời gian”, Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ.
Thứ trưởng cũng đề xuất, cần đưa kết quả thực hiện CĐS vào việc đánh giá cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu.
Cũng tại buổi báo cáo, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã nêu lên những nét cơ bản nhất của CĐS, như về hạ tầng số, dữ liệu số, về nhân lực số - nhân tài số; về đảm bảo an toàn thông tin…
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, CĐS sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán thiên niên kỷ của bộ máy nhà nước, như lời giải cho bài toán về động lực tăng trưởng; về cạn kiệt tài nguyên; về khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; về quan liêu của bộ máy; về tham nhũng, tiêu cực và về phát triển hài hòa.