Đó là nội dung cuộc trao đổi của nhà báo Lương Bích Ngọc và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông vừa từ TP.HCM ra dự phiên ĐH Đảng bộ TP Hà Nội.
- Thưa ông, năm 2005 là năm mà các ĐH Đảng bộ các cấp diễn ra rộng khắp ở các địa phương, ông có tham dự nhiều không?
-ĐH Đảng bộ ở quê hương - "chùm khế ngọt" - là ĐH Đảng bộ huyện duy nhất mà tôi dự. Sau đó, tôi dự ĐH Đảng bộ ở TP.HCM và vừa rồi (21/12/2005) dự khai mạc ĐH ở Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng nhận được thông tin ĐH của nhiều địa phương khác.
Sau khi dự 2 ĐH lớn nhất ở 2 thành phố lớn, ông có cảm thấy sự đổi mới đặc biệt nào không?
-Tôi thấy không có gì khác là tính nghi thức. Tôi đã biết trước mọi trình tự rồi, mặc dù tôi chỉ tham dự 2 phiên khai mạc.
Vậy ông thấy ĐH Đảng bộ trong thế kỷ XXI ở 2 thành phố lớn này có khác nhiều so với ĐH Đảng bộ của chính những nơi này cách đây 10 năm, 20 năm hay không?. Về cách tổ chức, không khí, sự quan tâm của công chúng, thái độ của các Đảng viên khi đến tham dự?
Tất nhiên Đại hội ở những thời điểm khác nhau sẽ có những không khí khác nhau. So với tất cả những gì đã trải qua thì ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IV, VI không khí đặc biệt nhất. ĐH IV diễn ra sau đất nước giải phóng – Nam, Bắc thống nhất nên không khí tưng bừng, sôi nổi trong Đảng, ngoài dân. ĐH VI là ĐH mở đầu cho thời kỳ đổi mới, có bước tháo gỡ về đường lối tương đối lớn. Tất nhiên "tương đối" có nghĩa là cũng còn thăm dò, chưa thực sự mạnh dạn, song, đó cũng là bước ngoặt lớn của đất nước. Tất nhiên sự tưng bừng cũng khác. Đó là thời điểm mà tình hình bị ép xuống mức cùng cực đang chờ đợi có sự đổi mới, nên lúc nhìn thấy ánh sáng, người người thuộc đủ các tầng lớp rất hồ hởi.
Vâng, thưa ông, rất nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ không khí sôi nổi trước và trong ĐH lúc đó, người dân quan tâm đến từng chi tiết của ĐH, nào là những chuyện gì sẽ được đưa ra bàn bạc, thảo luận... Còn bây giờ, hình như thái độ của Đảng viên đối với mỗi ĐH hình như cũng bình lặng hơn? Đó có phải là do sự phát triển đã ổn định hay là vì người ta không đợi chờ sự đột phá?
-Những dịp ĐH Đảng toàn quốc VII, VIII, IX tiếp sau đó diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trên đà đi lên. Mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ đất nước lại thêm phát triển và khẳng định vị thế mới trước bạn bè quốc tế, quan hệ ngày càng tốt hơn, đó là điều có thể khẳng định. Đây chính là điểm khác biệt về mức độ tăng trưởng, về quan hệ quốc tế.
Nhưng trong quá trình phát triển, sự đòi hỏi của đất nước, của sự phát triển cũng ngày càng cao hơn, do đó cách tiếp cận cũng phải được nâng lên ở cấp độ cao hơn.
Người dân họ có đòi hỏi cao hơn về tốc độ tăng trưởng, sự tiến bộ về nhiều mặt của xã hội. Trong một số ĐH tôi có dự và được biết vừa qua, người dân quan tâm chưa thấy được sự đổi mới và sự đột phá rõ nét. Người ta quan tâm không chỉ muốn thấy văn kiện mà muốn thấy những con người cụ thể, với những phương án cụ thể có thể đem tới sự đột phá, cho địa phương đó vượt lên.
Thưa ông, một trong những nguyên nhân làm cho người ta không quan tâm đến ĐH phải chăng là do cách tổ chức. Thường thì với một ĐH Đảng bộ, dù chỉ là của phường, xã, huyện... người ta quan tâm đến những chuyện bên lề, đến ĐH trù bị hơn là khi ĐH đã chính thức diễn ra. Vậy nên chăng, trong cách chúng ta tổ chức ĐH, phải làm thế nào để người dân vẫn cảm thấy hồi hộp, "kịch tính" của ĐH chính thức?
-Đó cũng là một chuyện quan trọng. Tôi cũng đã đề xuất một số ý kiến về cách tổ chức ĐH:
Một dòng là trù bị, là trưng cầu ý kiến trong Đảng, ngoài dân thật sự dân chủ từ dưới lên.
Dòng thứ 2 là ĐH chính thức từ trên xuống, thông qua chính thức các văn kiện và bàn nhân sự. Thực tế kinh qua nhiều ĐH mới rút ra điều ấy. Một đất nước do một Đảng lãnh đạo, đã từng thử thách lớn trong chiến tranh, bây giờ đất nước đã hòa bình xây dựng và đổi mới, ĐH phải như là một sinh hoạt chính trị lớn nhất của toàn dân, không phải băng cờ treo đầy thành phố cho vui, đúng ra cần chứng tỏ thế nào để người dân thật sự coi đó là sự kiện lớn nhất. Nhưng thực tế thì không được như vậy.
Có một vấn đề cốt lõi là khi muốn thực thi đổi mới sâu rộng trong toàn xã hội và mạnh hơn là trong toàn Đảng bộ, thì sự vận động dân chủ trong hệ thống tổ chức của Đảng, là các cấp ủy đảng từ trên xuống dưới phải tạo ra được cái cảm nhận là có dân chủ, dân chủ đầy đủ, phải phát huy hết trí tuệ của hệ thống tổ chức, nếu không làm được như vậy thì vô hình trung đã làm cho không khí trong Đảng cũng không bộc lộ rõ điều này.
Do đó, không làm cho người dân thấy rõ đâu là việc đã làm được và đâu là việc chưa làm được thuộc những vấn đề quốc kế dân sinh gắn liền với đời sống của đất nước, những bức xúc trong cuộc sống của người dân. Lần lần trở thành thói quen cho rằng không cần phải suy nghĩ nhiều lắm bởi vì tất cả những công đoạn quan trọng nhất, đã có cấp trên chuẩn bị sẵn từ trước, lại được sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của bên trên.
Thưa ông, liệu có phải vì vấn đề những dự báo nhân sự trong dư luận đa số đều đúng với phiên họp chính thức nên người dân cũng như Đảng viên thường quan tâm đến thông tin bên lề và ĐH trù bị hơn là ĐH chính thức. Trong khi đó, nhân sự là vấn đề quan trọng để dẫn đến những đột phá cho kỳ sau. Theo ông, cần phải làm gì để thay đổi?
- Qua 2 ĐH Đảng bộ lớn tôi vừa dự, tất cả đều là sự chuẩn bị khá chu đáo của các đồng chí sắp mãn nhiệm kỳ, còn hẹp hơn so với quy định của Điều lệ Đảng - theo quy trình: Thường trực một cấp ủy đảng chuẩn bị cho Thường vụ, Thường vụ lại chuẩn bị cho Ban chấp hành. Có những trường hợp (mà điều này không hiếm), ra Hội nghị ban chấp hành mà thực chất không khác một hội nghị thường vụ mở rộng, các ý kiến cũng có thêm, bớt, nhưng không phải hội nghị theo đúng nghĩa cuộc họp của cơ quan cao nhất của một đảng bộ. Vậy nên, khi ra ĐH, người ta mới có cảm nhận là tất cả đã yên bài rồi. Không có gì phải thay đổi.
Có nghĩa là chúng ta phải thay đổi lại cách thức tổ chức ĐH? Nhưng theo ông, ai sẽ là người tạo ra đột phá đó?
- Đó là ĐH toàn quốc lần thứ X của Đảng, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng quyết định, chịu trách nhiệm trước sự đòi hỏi của đất nước.
Ý chí đổi mới là của toàn Đảng và các đảng viên đều mong muốn có sự đột phá trong cách bầu nhân sự. Như cách làm của chúng ta ngày trước, khi bắt đầu cho một đổi mới, cần phải có sự thay đổi lớn từ phía Đảng. Ngay cả bên Trung Quốc cũng như vậy, những thay đổi đó phải bắt đầu từ những ý chí rất mạnh mẽ. Ông đã từng đưa ra những đề xuất dẫn đến sự thay đổi, sự phát triển cho đất nước, liệu lần này ông có đưa ra đề xuất lớn nào về cách thức tiến hành ĐH?
- Trong ĐH VI, từ những ý kiến bên dưới, người lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật và nhận đúng sai lầm cần phải sửa, và lãnh đạo dám nghe nhiều chiều khác nhau. Trong Đảng, cán bộ, Đảng viên được phát biểu tất cả suy nghĩ của mình nên không khí rất sôi động. Đó mới là phát huy hết trí tuệ của Đảng viên. Bác Trường Chinh trước đó là một người rất "cứng", nhưng khi thay cho bác Lê Duẩn, Bác đi thẳng xuống bên dưới để lắng nghe ý kiến trực tiếp của anh em, không qua trung gian nào khác. Cộng thêm với sự giúp sức của một số cán bộ có tư duy mới để chuẩn bị cho nội dung ĐH, đó là người lãnh đạo chịu nghe sự thật và biết huy động những người trung thực. Đó cũng là bài học đòi hỏi bản lĩnh của người lãnh đạo tạo ra bước ngoặt.
Theo ông, đội ngũ lãnh đạo phù hợp nhất cho thế kỷ XXI là những người như thế nào? Lứa tuổi nào, trình độ nào? Đâu là mơ ước của ông, nếu có thể?
- Không phải mơ ước mà là đòi hỏi. Cần phải có những người chịu nghe sự thật và dám quyết đoán trên hết vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo tinh thần đó, ĐH toàn quốc lần thứ X này phải đảm bảo đúng thực chất của nó như điều lệ quy định, tức là ĐH là cấp cao nhất của toàn Đảng quyết định mọi vấn đề thuộc quyền lực cao nhất. Làm đúng như thế, dân chủ trong Đảng sẽ được phát huy cao nhất. BCH TƯ Đảng lần này được chọn lựa đúng như mong muốn là thể hiện được ý chí của toàn Đảng để điều hành đất nước.
Lương Bích Ngọc (thực hiện)