Liên kết vùng - nhất là kết nối hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - đã được đưa ra và bàn bạc từ nhiều năm trước.
Nhu cầu đó đã có từ khi cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu đón tàu từ hơn 10 năm trước. Và đòi hỏi ấy càng bức thiết hơn khi sân bay Long Thành đã triển khai. Một bên là cảng nước sâu lớn nhất của quốc gia, có tốc độ phát triển nhanh; một bên là sân bay mới cũng lớn nhất, hiện đại nhất của cả nước. Hai bên chỉ cách nhau vài chục cây số. Một cảng biển - một sân bay kết nối với nhau bằng hệ thống đường bộ thênh thang, quả là lý tưởng cho hàng hóa lưu thông.
Một khúc sông Hậu, ĐBSCL |
Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ hạ tầng liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long là những điều trăn trở của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải thúc đẩy các sáng kiến, dự án liên kết vùng mà trước hết là thực hiện các dự án đầu tư chung, cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển của toàn vùng. Đó là sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, là cao tốc và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đó là hạ tầng giáo dục, y tế, chuyển đổi số…
Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai và là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất của cả nước hiện nay, sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải có đầy đủ các yếu tố để trở thành những trung tâm phát triển ngành hàng không và cảng biển trong thời gian tới. Tiềm năng của 2 trung tâm ngành này sẽ còn được phát huy tốt hơn, nhất là trong lĩnh vực vận tải hàng hóa khi xây dựng được hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới giao thông kết nối đang là “điểm nghẽn” để 2 trung tâm ngành này có thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Được đầu tư xây dựng với vị thế là một trong 20 cảng biển nước sâu của thế giới có thể đón được tàu container siêu lớn gần 200 ngàn tấn, tuy nhiên, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải mới chỉ khai thác được khoảng 50% công suất. Nguyên nhân chính là do tuyến đường kết nối chính của cụm cảng hiện nay là quốc lộ 51 đang trở nên quá tải và khó đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Trên thực tế, quốc lộ 51 là tuyến giao thông kết nối duy nhất hiện nay giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo công suất thiết kế ban đầu, quốc lộ 51 có công suất 12 ngàn lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay công suất trung bình đã tăng lên khoảng 32 ngàn lượt xe/ngày đêm. Quốc lộ 51 đã thực sự trở nên quá tải. Do đó, cần nhanh chóng thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giải quyết nhu cầu giao thông. Đặc biệt là khi dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Trong quy hoạch giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không những đóng vai trò “chia lửa” cho quốc lộ 51 mà đây còn là tuyến đường đóng vai trò kết nối chính giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bên cạnh đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép cũng là trục giao thông kết nối quan trọng giữa sân bay Long Thành với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã được quy hoạch thực hiện. Với lợi thế về khả năng vận chuyển hàng hóa, đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép được xem là một “mắt xích” quan trọng trong việc tăng cường khả năng kết nối, vận tải hàng hóa giữa trung tâm của ngành hàng không là sân bay Long Thành và trung tâm cảng biển là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài quốc lộ 51 đã được đầu tư xây dựng, hiện nay, các trục kết nối quan trọng khác giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chỉ đang quy hoạch.
Tới nay, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức khởi công xây dựng vào tháng 1 vừa qua. Theo dự kiến, đến cuối năm 2025, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Theo lộ trình đầu tư, khi cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác công suất phục vụ sẽ tăng lên đạt 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Lúc đó, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là nơi hoạt động chính của các hãng hàng không lớn của Việt Nam và chắc chắn các hãng sẽ chuyển dần hoạt động về sân bay này chứ không phải là sân bay Tân Sơn Nhất như hiện tại.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với cảng biển Hải Phòng, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn.
Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam.
Trên thực tế, với những khó khăn về hệ thống giao thông kết nối đang bộc lộ ngày càng rõ, vai trò trung tâm phát triển ngành của sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng biển trên địa bàn TP.HCM sẽ có sự chuyển giao trong thời gian tới. Trong xu thế dịch chuyển vai trò đó, sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải được xem là những điểm đến để xác lập vị trí trung tâm phát triển ngành mới.
Ngọc Ánh