Từ cuộc sống thực tế
Giàng A Mía, dân tộc H'Mông, về đến trạm dừng chân ở trụ sở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hôm 8/10 thì trời đã nhá nhem tối. Anh đã vượt qua hơn 1.500km sau khi cùng đoàn xe máy rời Bình Dương 4 ngày trước đó.
A Mía về lại quê nhà ở Hà Giang với triển vọng bấp bênh, không hề hứa hẹn. “Tôi chắc lại đi nương và rừng thôi. Chả còn việc gì khác mà làm”, anh nói, và cho biết thu nhập từ công việc đó còn lâu mới đạt 100.000 đồng/tháng - số tiền chưa mua nổi 5kg gạo.
Chủ tịch UBND xã Thanh Hải Trần Văn Thắm, người đã túc trực mấy tháng liền tại trạm dừng chân, cho biết, trụ sở này đã đón hơn 8.000 người, có ngày đón 3 đoàn, có ngày 12 đoàn.
“Có tới 95% số người qua đây là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc”, ông nói.
Thu nhập của người lao động ở TP.HCM giảm hơn một nửa, chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng từ mức hơn 9 triệu |
Kể từ khi TP.HCM và một số tỉnh xung quanh gỡ phong tỏa đầu tháng 10 sau hơn 5 tháng thực hiện chỉ thị 16, đã xuất hiện nhiều đoàn xe máy đổ về quê, gần thì về các tỉnh miền Đông, miền Tây; xa thì về các tỉnh miền núi phía Bắc.
TP.HCM ước tính không chính thức có khoảng 1,3 triệu người đã rời TP về quê trong nửa đầu tháng 10 vừa qua.
Tất nhiên, Tổng cục Thống kê chưa thể cập nhật tình hình trên, nhưng số liệu chính thức ban đầu đã đưa ra hồi còi báo động về an sinh xã hội và nạn thất nghiệp cao chưa từng có.
Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam cho biết, tính đến ngày 15/9, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh để về quê.
Trong quý 3 năm nay, có tới 23 tỉnh phong tỏa để chống dịch, cả nước có 4,7 triệu người mất việc làm, trong đó 1,7 triệu người thất nghiệp, tăng 532.200 người so với quý trước.
Thu nhập của người lao động ở TP.HCM giảm hơn một nửa, chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng từ mức hơn 9 triệu, mức giảm sâu nhất được ghi nhận trên cả nước.
“Nguyên nhân do TP.HCM giãn cách quá lâu, làm tỉ lệ lao động mất việc trong khu vực chính thức giảm mạnh”, quan chức của Tổng cục Thống kê lý giải.
Báo cáo về lao động, việc làm trong quý 3 và 9 tháng đầu năm, cơ quan thống kê quốc gia đã dùng những từ ngữ biểu cảm thay vì trung tính như thường lệ: Tình hình lao động việc làm “tồi tệ hơn”; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức “cao nhất chưa từng thấy”; thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm “nghiêm trọng”…
Đến diễn đàn Quốc hội
Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã hỗ trợ gần 22 nghìn tỷ đồng cho hơn 24 triệu lượt người và đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt người lao động.
Để vực doanh nghiệp khỏe mạnh trở lại, cần sự hỗ trợ của Chính phủ mạnh hơn gấp bội |
Bên cạnh đó, Chính phủ đã cấp hơn 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,4 triệu hộ với trên 9,1 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Những khoản hỗ trợ tài chính đó cho người dân cũng như các gói hỗ trợ khác về tài chính và tiền tệ cho doanh nghiệp đã động viên kịp thời nhưng có lẽ còn xa so với nhu cầu tối thiểu của họ.
Chẳng hạn, báo cáo của Chính phủ cho biết, theo thống kê bước đầu, hàng chục triệu người cần hỗ trợ trong cùng một thời điểm; riêng TP.HCM hỗ trợ cả 3 đợt lên đến khoảng 7,5 triệu người.
Thủ tướng nói: “Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề... Số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài”.
Số phận của A Mía và hàng triệu người thất nghiệp khác chỉ là một phần bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước vừa trải qua biến động chưa từng có của dịch bệnh, làm cho mức tăng trưởng GDP theo quý âm 6,17% - thấp nhất trong lịch sử thống kê.
Song, điều đáng lo, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, các động lực tăng trưởng đang suy giảm. Ví dụ, tăng trưởng doanh số bán lẻ so với cùng kỳ năm trước suy giảm rất mạnh; chỉ số PMI công nghiệp chế biến - chế tạo giảm sâu; đầu tư công suy giảm, đầu tư tư nhân tăng chậm; vùng động lực phía Nam đang yếu dần; tốc độ tăng GDP và các lĩnh vực vùng động lực phía Nam lại thấp hơn phía Bắc.
Như vậy, với GDP ước tính đạt 3% năm nay và 2,91% năm 2020, tốc độ tăng GDP trong 2 năm liên tiếp giảm sâu so với mức bình quân/năm và giảm sâu nhất trong 3 lần nền kinh tế lâm vào khủng hoảng kể từ sau Đổi mới.
Ông Cung đặt câu hỏi: “Vậy đâu là nhiệm vụ khả thi để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong giai đoạn 2021-2025 như mục tiêu đề ra”?
Sớm lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, sức lực của các doanh nghiệp hiện đã suy yếu hơn nhiều so với cách đây 1 năm.
“Để vực doanh nghiệp Việt Nam hồi sức, khỏe mạnh trở lại, cần sự hỗ trợ của Chính phủ mạnh hơn gấp bội, phải thật nhanh chóng, kịp thời và kéo đủ dài”, ông nói.
Ông nhận xét, thanh khoản hay khả năng tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp đang và sẽ là câu chuyện gay gắt nhất cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Lúc này, dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt trong khi họ không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.
Nguy cơ doanh nghiệp không gượng dậy được vì thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế.
“Tôi cho rằng cần thành lập sớm Quỹ Bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước. Tức là Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay. Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro”, ông nói.
Góp ý của các vị chuyên gia như trên là rất cần thiết trong bối cảnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo đà cho đoàn tàu hụt hơi
Trong cuộc họp về bản dự thảo này chiều 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chương trình phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, trên cơ sở bám sát nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Về phần mình, ông Nguyễn Đình Cung nhận định, nguồn lực của đất nước hiện nay là có, chẳng hạn quỹ dự trữ ngoại hối lên đến 100 tỷ, vay trong nước đang thuận lợi, và các định chế tài chính quốc tế đã cam kết cho vay nhiều tỷ đô la để kích thích nền kinh tế.
Trong một cuộc họp với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - người chủ trì dự thảo Chương trình hồi phục - ông Cung kiến nghị cần chấp nhận bội chi ngân sách với mức đủ lớn, 8-10% GDP, thậm chí cao hơn, để ứng phó với thực trạng kinh tế hiện nay và tạo động lực cho những năm tiếp theo. Con số đó khoảng chừng 30 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần so với gói kích thích trị giá 8 tỷ USD năm 2009.
“Thách thức hiện nay là chưa từng có, đòi hỏi phải có đồng thuận chưa từng có mới vượt qua được”, ông nói.
Ông Cung không biết A Mía, nhưng ông biết những cảnh tương tự của nhiều người khác trong đại dịch.
“Hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu người mất việc làm. Bây giờ chúng ta không tiêu, không kích cầu thì bao giờ mới tiêu?”, ông nói.
Tư Giang - Lan Anh
Vài suy ngẫm của một người ngoại đạo về chống đại dịch
Có lẽ chưa bao giờ trong thời bình chúng ta lại chịu tổn thất nặng nề như trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư này. Đại dịch là một thử thách nghiệt ngã đối với cả loài người và cả dân tộc ta.