Phải định danh "người chơi"
Trong báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đầu tiên, Bộ Công Thương khẳng định, năm 2003 “chúng ta đã bắt đầu và đi khá nhanh trên chặng đường đầu tiên của Con đường tơ lụa mới”.
Doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân qua internet) ở nước ta năm 2014 chỉ đạt 2,97 tỷ USD, đến năm 2024 đã vọt lên 25 tỷ USD, tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm.
Không chỉ vậy, thị trường TMĐT còn là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa của mình.
Những năm qua, nước ta đã ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể và từ thực tiễn quản lý nhà nước dẫn đến các chính sách và quy định về TMĐT bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Bộ Công Thương đề xuất cần xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý hàng triệu người tham gia mua - bán.
Trong dự thảo tờ trình xây dựng Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đưa ra một số chính sách lớn về TMĐT.
Đáng chú ý, chính sách 2 quy định các hình thức hoạt động và các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi, thực tiễn cho thấy hàng loạt bất cập về trách nhiệm của các chủ thể.
Cụ thể, đối với các nền tảng số trung gian TMĐT, hiện hệ thống pháp luật về TMĐT quy định trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT đã được quy định rải rác ở một số văn bản. Tại Nghị quyết 09, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.
Việc định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái… trên các nền tảng TMĐT.
Cũng theo Bộ Công Thương, một số mạng xã hội hiện nay không chỉ là nơi người bán và người mua trao đổi thông tin về hàng hóa mà còn cung cấp một số tính năng hỗ trợ giao dịch TMĐT. Xu hướng biến ứng dụng thông thường thành siêu ứng dụng hay ứng dụng đa dịch vụ ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, để quản lý và phân loại những loại hình ứng dụng như này còn là khoảng trống pháp lý cần phải điều chỉnh.
Đối với các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới và người bán nước ngoài trên các nền tảng số, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý chất lượng hàng hóa và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, dẫn đến thất thu ngân sách và khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Với người bán trên các nền tảng số TMĐT khi chưa được xác định rõ ràng, người tiêu dùng bị đặt vào tình thế bấp bênh. Đặc biệt, khi người bán hoạt động mà không có định danh hợp lệ, họ thường trốn thuế. Cơ quan quản lý cũng gặp khó khăn trong xử lý gian lận và các hoạt động bất hợp pháp.
Tình trạng này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp hợp pháp tuân thủ yêu cầu đăng ký và nộp thuế bị bất lợi so với những người bán ẩn danh lách luật.
Trong khi đó, người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến hiện nay gặp khó khăn vì thiếu minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác.
Đơn vị trung gian cũng phải có trách nhiệm
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Công Thương cũng đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT.
Bộ Công Thương cho rằng, Nghị định 52 có nhắc đến trách nhiệm của các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ TMĐT như logistics… Song, còn thiếu các quy định cụ thể và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Việc này dẫn đến thiếu sự quản lý và giám sát đối với các mô hình trung gian. Nếu không có quy định rõ ràng, những đơn vị này có thể không tuân thủ các quy định về bảo mật, chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó có thể dẫn đến môi trường giao dịch không an toàn, gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động TMĐT; tồn tại nguy cơ rò rỉ dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng và các vấn đề liên quan đến bảo mật trong giao dịch điện tử.
Chưa kể, khi không có cơ chế hợp tác rõ ràng giữa các đơn vị trung gian và cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật sẽ trở nên phức tạp.
Bên cạnh đó, việc thiếu rõ ràng trong quy định về trách nhiệm của các đơn vị trung gian có thể gây ra môi trường TMĐT không ổn định, không có tính cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, nhiều nền tảng có yếu tố nước ngoài hoạt động không phép ở Việt Nam, có nơi trưng bày bán hàng giả, hàng nhái và thậm chí hàng cấm vào thị trường Việt Nam mà không có quy định để ngăn chặn kịp thời.
Các đối tượng có thể lợi dụng các nền tảng đặt tại nước ngoài để bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam mà không có biện pháp ngăn chặn, không có đầu mối liên hệ, khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có chế tài để yêu cầu, xử phạt đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT như logistics, thanh toán, tiếp thị liên kết, hạ tầng kỹ thuật… khi có hành vi vi phạm.
Với những bất cập trên, Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp khi có vi phạm về TMĐT xảy ra trên môi trường mạng.