Theo số liệu thống kê mới nhất, tỉnh Hà Nam chỉ còn 0,03% hộ nghèo dân tộc thiểu số, 0,1% hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh có 282 hộ nghèo và 338 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 340 hộ muốn xây nhà mới, 280 hộ muốn được hỗ trợ sửa nhà.

Tính đến hết tháng 3, có 136 hộ đã thực hiện khởi công xây mới và sửa chữa nhà, gồm 92 hộ xây mới và 44 hộ sửa chữa.

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện theo phương châm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ.

Xoa nha tam Ha Nam.jpg
Ngoài phần ngân sách của Trung ương, tỉnh Hà Nam còn hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng cho các hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Thạch Thảo

Ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - cho biết: “Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo đó, ngoài phần ngân sách của Trung ương thì tỉnh còn hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng cho các hộ nghèo”.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt, hiệu quả đã được triển khai nhằm huy động đa dạng nguồn lực cùng chung tay thực hiện công việc này.

Ông Trần Trung Hà Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng (huyện Lý Nhân) cho hay: “Chúng tôi đã phát động phong trào thi đua đặc biệt trong việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, kêu gọi các tập thể, cá nhân mạnh thường quân tham gia. Xã có khen thưởng, động viên kịp thời để mọi người đều vào cuộc với tinh thần, khí thế tích cực nhất, khẩn trương nhất”.

Nhờ đó, nhiều trường hợp khó khăn đã được nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Bà Trần Thị Hợp ở xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân là một ví dụ. Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo đơn thân, người già neo đơn, bà phải sống trong căn nhà dột nát, không có điều kiện sửa chữa. 

Được nhà nước và địa phương hỗ trợ 90 triệu đồng làm nhà kiên cố với diện tích 18m2, bà xúc động chia sẻ: “Trước bố mẹ nghèo, để cho tôi căn nhà cũ rách nát. Giờ nhờ các cấp quan tâm, làm cho nhà tử tế để ở. Tôi mừng lắm. Đêm hôm không còn lo cảnh nhà dột nữa”.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả ban đầu của tỉnh Hà Nam, tuy nhiên, tại một cuộc họp mới đây, ông Phí Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - lưu ý: Hà Nam là 1 trong 10 tỉnh có số lượng nhà tạm cần xóa ít nhất, song theo số liệu cập nhật trên phần mềm đến ngày 28/3 thì đang nằm trong nhóm các tỉnh đạt kết quả thấp nhất. 

“Tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 31/10 xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát. Nhưng với số lượng căn không nhiều thì tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xong trong khoảng tháng 7-8” - ông Thắng đề nghị.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg về việc phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Theo đó, tỉnh Hà Nam được phân bổ hơn 16,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 vừa qua, HĐND tỉnh mới phân bổ được 13,483 tỷ đồng.

“Tỉnh Hà Nam cần rà soát lại kinh phí. Nếu thiếu thì tỉnh có văn bản gửi thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát để cơ quan này báo cáo Thủ tướng tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, dự kiến diễn ra cuối tháng 4” - ông Thắng khuyến nghị.