PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa, Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính chỉ rõ một số hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan.
Qua gần 10 năm vận hành Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (cốt lõi là Hệ thống Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia - VNACCS/VCIS cùng hơn 20 hệ thống vệ tinh), tần suất xảy ra sự cố phần cứng và phần mềm ứng dụng ngày càng tăng. Gần đây nhất là sự cố sập hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VASSCM) dẫn đến làm gián đoạn hoạt động xử lý thủ tục hải quan điện tử từ tối 6/8/2024 đến ngày 7/8/2024 (16 giờ).
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa phù hợp với yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hệ thống VNACCS/VCIS chưa đáp ứng được một số hoạt động thương mại quốc tế mới (ví dụ như thương mại điện tử được vận chuyển qua giao dịch chuyển phát nhanh đường bộ...) nên các thiết kế về phần cứng, phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự tăng trưởng đột biến về lượng giao dịch của các loại hình thương mại mới, dẫn đến bị quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam.
Hệ thống Một cửa quốc gia hiện nay chưa đáp ứng được việc kết nối trao đổi thông tin điện tử tự động với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để tự động phân tích, đánh giá thông tin xác định trọng điểm, thông quan hàng hóa.
Một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh của các Bộ/ngành hiện nay được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, hệ thống dịch vụ công của các Bộ/ngành chưa được kết nối và trao đổi thông tin với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để phục vụ quá trình giải quyết thủ tục hải quan và các thủ tục khác có liên quan.
PGS.TS Lê Xuân Trường khuyến nghị: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính cần sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thỏa đáng nguồn kinh phí, đầu tư có chiến lược để xây dựng hệ thống Hải quan thông minh.
Trước mắt, cần sớm nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Sau đó, cần thay thế hệ thống VNACCS/VCIS hiện hành bằng hệ thống mới, ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, và là hệ thống mở để có thể dễ dàng nâng cấp, cập nhật những thành tựu mới của công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống dự phòng đảm bảo đầy đủ về điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành thay thế cho hệ thống chính khi xảy ra sự cố.
Khi xây dựng hệ thống hải quan thông minh, cần ứng dụng mạnh mẽ những công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility)…