- ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, ngoài các ĐB chuyên trách, nên chọn cả những nông dân, kỹ sư giỏi, thậm chí chế tạo máy bay, tàu ngầm, cán bộ trung, cao cấp đã nghỉ hưu...
ĐB Bắc Ninh Nguyễn Thị Thanh Hòa (Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ VN) tại phiên thảo luận luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND sáng nay muốn luật làm rõ việc không áp quá nhiều cơ cấu khác lên ứng viên nữ, nhất là những cơ cấu bất lợi với phụ nữ như trẻ, ngoài Đảng.
Cùng với cơ cấu với những đối tượng trên, bà cũng kỳ vọng tỉ lệ nữ là 40% nhưng biết là khó nên đồng tình với 35% như dự thảo.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ VN Nguyễn Thị Thanh Hòa. Ảnh: Minh Thăng |
"Đã 3 nhiệm kỳ liên tỉ lệ ĐB nữ không đạt 30% mà còn giảm dần, có những tỉnh không có nữ ĐB. Trong khi thế giới tăng thì VN lại giảm đều, từ vị trí thứ 8 thế giới xuống còn thứ 55, từ chỗ dẫn đầu ASEAN giờ đứng 5 trong khu vực.
Ở các HĐND thì khá hơn, tỉ lệ tăng dần nhưng vẫn chưa đạt 30%. Tỉ lệ ĐB nữ trên thực tế so với mục tiêu, con số mơ ước 30-35% như nghị quyết của Đảng, còn là khoảng cách xa", bà Hòa nói.
Liên quan đến tiêu chuẩn người ứng cử, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết luật Tổ chức QH và dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được biểu quyết tại kỳ họp này đã quy định đầy đủ nên không quy định trong luật Bầu cử.
Tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.
Nhưng theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), tiêu chuẩn là vấn đề quyết định chất lượng ĐB và các cơ quan dân cử, tiêu chuẩn người ứng cử ĐB QH và HĐND có thể giống nhau nhưng không phải là một, do vậy luật này cần quy định rõ.
ĐB Đỗ Văn Đương |
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) quan tâm đến những người tự ứng cử. Trong đó, nhiều người có đủ tiêu chuẩn, nhưng do không có cơ quan giới thiệu, không thuộc cơ cấu, mà gặp khó khăn.
Do đó, ĐB đề nghị luật quy định rõ về số dư, tỉ lệ cho người tự ứng cử, thậm chí có mục riêng về tự ứng cử, để tạo sự công bằng, dân chủ trong bầu cử.
Chung Hoàng