Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra tại Việt Nam. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Không thể phủ nhận, ô nhiễm nhựa đang được coi là thách thức môi trường rất nghiêm trọng.
Chính vì vậy, Việt Nam và các nước đang nỗ lực nhằm nhằm xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.
Song với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa, cần có lộ trình. Một mặt Việt Nam luôn mong muốn có thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, nhưng thỏa thuận này cũng cần bao gồm cả trách nhiệm của các quốc gia phù hợp với trình độ và năng lực phát triển của họ. Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng bởi bên cạnh những cái biện pháp kiểm soát, thì cũng phải tính tới phương pháp thực hiện bao gồm tài chính, công nghệ hay năng lực.
Việt Nam ủng hộ quan điểm đối phó với ô nhiễm nhựa hiện nay, nhưng để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán ở phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa hôm 23/4 tại Ottawa, Canada cũng như phiên tiếp theo, cần phải có những đánh giá cụ thể về những tác động trong tương lai khi tham gia thỏa thuận. Ngoài những tác động môi trường, còn có những tác động về kinh tế hay tác động tới sinh kế của người dân.
PV