Theo Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ (MPA) tại Việt Nam các trang web vi phạm bản quyền có số lượt truy cập cao hơn hẳn so với các trang OTT chính thống. Ví dụ, bình quân hàng tháng có khoảng 2 triệu lượt người xem trên 3 trang OTT có bản quyền là NetFlix, VTVcab, MyK+now. Trong khi đó có tới 105 triệu lượt người xem mỗi tháng trên các trang web lậu. Chỉ riêng 3 trang có lượt truy cập cao nhất là Phimmoi có hơn 40 triệu lượt, BiluTV có tới hơn 26 triệu lượt, Phim bất hủ có hơn 21 triệu lượt xem mỗi tháng. Với số lượt xem nhiều như vậy thì doanh thu quảng cáo của các trang phim lậu này rất lớn.

Các nội dung bị các trang web lậu vi phạm bản quyền ở Việt Nam không chỉ với phim Hollywood mà cả với phim của các hãng lớn trên thế giới như TVB của Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ và các hãng phim, các chương trình truyền hình của Việt Nam.

Theo MPA, rất nhiều quảng cáo của các nhãn hàng nổi tiếng đã xuất hiện không đúng chỗ trên các trang web lậu. Cụ thể quảng cáo chính thống xuất hiện chiếm 28,9% trang web vi phạm lớn, 17,4% trang web tầm trung, 13,1% trang web nhỏ. Quảng cáo không đúng chỗ làm ảnh hưởng lớn tới danh tiếng của các nhãn hàng trong mắt người tiêu dùng và khiến người dùng nhầm lẫn trong sản phẩm mà họ chọn mua. Quảng cáo hiển thị hình ảnh của Việt Nam có tỷ lệ nguy cơ mang lại rủi ro cho các nhãn hàng cao nhất, trong khi phần lớn các quảng cáo xuất hiện ở các trang web vi phạm lại là quảng cáo của các nhãn hàng chính thống.

Quảng cáo chính thống còn xuất hiện ngay cạnh các quảng cáo không an toàn, hoặc cạnh các quảng cáo video có tỷ lệ rủi ro cao.

Những nghiên cứu gần đây của Verisite hay hãng bảo mật McFee Labs cho thấy nguy cơ mất an toàn thông tin sẽ đến với người dùng Internet khi truy cập vào các trang web lậu vì các trang này ẩn chứa nhiều mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin người dùng với mục đích tống tiền. Hãng bảo mật McFee Labs cho hay, năm 2017 sẽ gia tăng các cuộc tấn công phần mềm độc hại, sẽ có nhiều nạn nhân hơn bị phần mềm gián điệp và truy cập điều khiển từ xa (RAT) tấn công. RAT tấn công nhắm vào mục tiêu là các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh. Tăng nguy cơ về phương thức sử dụng phát tán phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp, do đó việc tải các tài liệu từ nguồn không đáng tin cậy là nguy cơ lớn. Các thiết bị gia đình có kết nối Internet sẽ bị nhắm mục tiêu với mã độc được nhúng trong thiết bị. Khi phần mềm độc hại có được chỗ đứng trong mạng gia đình, nó có thể đánh hơi được tất cả các mạng truy cập và tìm kiếm tên và mật khẩu người dùng.

McFee Labs cũng cảnh báo phần mềm mã hóa tống tiền (Ransomware) sẽ xâm nhập máy tính nạn nhân, quét các ổ đĩa của máy tính và mã hóa tập tin bằng phương thức mã hóa công khai. Các tập tin quan trọng trên máy tính của nạn nhân có đuôi “doc” “pdf” “xls” “jpg” và “zip” sẽ bị mã hóa. Để mở tập tin, nạn nhân sẽ phải giải mã các tập tin và cần có chìa khóa riêng và chỉ các tin tặc mới có. Nạn nhân sẽ nhận được tin nhắn từ tin tắc về khoản tiền chuộc trên màn hình máy tính của học. Không giống như phần mềm kiểm soát từ xa, Ransomware đòi hỏi rất ít tùy biến để định vị một kẻ tấn công Ransomware, chỉ cần dịch thông điệp về khoản tiền chuộc sang ngôn ngữ địa phương, những kẻ tấn công sử dụng Ransomware gặp rất ít nguy cơ bị phát hiện danh tính và bị cảnh sát theo dõi việc chuyển tiền. Những loại tiền điện tử như Bitcoin sẽ được sử dụng khi giao dịch vẫn không thể bị phát hiện. Ransomware không đòi hỏi phải có một đường giao tiếp mở (nó chỉ yêu cầu nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn) mà không cần phải giao tiếp trực tiếp với nạn nhân.

Trong các cuộc hội thảo được tổ chức gần đây, ngành quảng cáo trực tuyến được cho là đóng vai trò chủ yếu trong việc cung cấp nguồn doanh thu để nuôi các trang web lậu, ngược lại ngành quảng cáo trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng để giúp các quốc gia triệt tiêu các trang web lậu, sống nhờ vào các nội dung vi phạm bản quyền. Bởi vì nếu các mạng lưới quảng cáo trực tuyến và các công ty quảng cáo tránh xa các trang web vi phạm bản quyền thì lợi nhuận bất hợp pháp của các trang web này sẽ không còn nữa, khiến những người vi phạm sẽ trở nên khó khăn hơn khi không có tiền để chi trả chi phí thuê máy chủ và các chi phí khác. Do đó, nỗ lực để ngăn chặn các trang web lậu thu lợi nhuận từ quảng cáo góp phần ngăn chặn nạn ăn cắp nội dung trực tuyến.

Tại Việt Nam, Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (VCA) đã nỗ lực làm việc với các nhà quảng cáo và các nhãn hàng nổi tiếng ở Việt Nam để đưa ra một chu trình làm việc mà theo đó các nhãn hàng chính thống có thể tránh được việc đưa quảng cáo của mình lên các trang web vi phạm bản quyền.

VCA tin rằng phương thức tốt nhất để cắt giảm nguồn tài chính đến từ doanh thu quảng cáo cho các trang web vi phạm pháp luật là xây dựng một khung pháp lý quản lý rủi ro toàn diện giữa các đại lý quảng cáo, mạng lưới quảng cáo và những tổ chức có nhu cầu quảng cáo để các đơn vị này chủ động hơn với các rủi ro từ quảng cáo trên các trang web lậu.

Thông thường người dùng và các đơn vị kinh doanh sẽ ít có thông tin về mã độc được tìm thấy trên các trang web vi phạm, các mã độc này là nguồn rủi ro nghiêm trọng cho người sử dụng. Người dùng Internet cần được cảnh báo nhiều hơn nữa để nhận thức được những rủi ro và nguy hại tiềm ẩn khi sử dụng thông tin miễn phí trên mạng, để cộng đồng biết cách bảo vệ mình trước những mặt trái của Internet.