Ngày 13/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển.
Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, đáp ứng các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sau lần thanh tra thứ 4 vào tháng 10/2023 vừa qua, nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau hơn 6 năm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện của Việt Nam trong công tác chống IUU. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục; đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương nên chưa thể gỡ được “thẻ vàng”.
Sau đợt thanh tra thứ 4, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tất cả các tàu đã huỷ đăng ký không được phép hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện việc cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không"…
Bảo đảm tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định, kể cả tàu đang sửa chữa hoặc được thông báo là không hoạt động; tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thuỷ sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt nghiêm và thống nhất hành vi vi phạm về VMS.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng “Quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đảm bảo tính bền vững, cân bằng giữa trữ lượng, đội tàu và cường lực khai thác…
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã phát biểu chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để quản lý đội tàu cá, quản lý việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tính toán để giảm nợ, giãn nợ để giảm áp lực kinh tế cho các chủ tàu; có chính sách hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân; thông qua các hoạt động ngoại giao, hợp tác, đưa đội tàu của Việt Nam liên kết với các nước trong khu vực để khai thác hải sản...
Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU trong thời gian tới, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5 vào tháng 4/2024, đại biểu dự hội nghị đề nghị các lực lượng cần thực hiện biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Cùng đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dự kiến tháng 4/2024, Đoàn Thanh tra của EC sẽ thanh tra lần thứ 5, đó là cơ hội để Việt Nam gỡ "Thẻ vàng".
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân; kiểm soát và quản lý đội tàu trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU, đảm bảo thực thi pháp luật đồng bộ giữa các địa phương.