Đội ngũ ứng cứu khẩn cấp để đối phó với tấn công mạng của TP.HCM đã được xây dựng nhưng chưa đủ mạnh, do đó Chi hội An toàn thông tin (VNISA) phía Nam đề xuất phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM thành lập đội ứng cứu chuyên nghiệp, để trở thành một đầu mối hoạt động khi có tình huống tấn công mạng xảy ra, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch VNISA phía Nam cho ý kiến tại buổi Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hôm 11/3.
Ông Ngô Vi Đồng, cũng là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty HPT, cho rằng TP.HCM đang rất thiếu các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin. Dù các trường đại học hàng năm vẫn đào tạo ra một lượng chuyên gia nhất định, nhưng số này không đáp ứng được nhu cầu thành phố và yêu cầu phát triển chung. Do đó, ông Ngô Vi Đồng đề xuất TP.HCM cần có cơ chế đào tạo nhân lực từ khi sinh viên đến lúc trở thành chuyên gia, để về phục vụ tại các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ. Ông Ngô Vi Đồng cho rằng cần một cơ chế đặc biệt, làm sao để giữ được người nếu không sẽ thất thoát người, người giỏi chuyên gia giỏi sẽ làm cho các cơ quan nước ngoài ngay trong đất nước Việt Nam. Và theo ông, để xây dựng cơ chế này sẽ rất khó, nhưng phải tìm mọi cách để xây dựng, để giữ được người, để phát triển nguồn nhân lực.
Vào tháng 11/2015, trao đổi với ICTnews, bà Võ Thị Trung Trinh – Phó giám đốc Sở TT-TT – cho biết đội ngũ chuyên trách an toàn thông tin của TP.HCM còn khá mỏng, do Sở TT-TT thành lập, bao gồm lực lượng chính quy và lực lượng tại chỗ - tức những nhân viên công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước các quận huyện của Thành phố. Bà Trinh cho biết lực lượng an toàn thông tin chuyên trách hiện nay chỉ đảm bảo khi có sự cố xảy ra thì không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại TP.HCM.
Nói tại buổi họp hôm 11/3, ông Ngô Vi Đồng cũng mong muốn thành phố quan tâm công tác diễn tập của các chuyên gia an toàn thông tin. Việc tập luyện này nhằm nâng cao khả năng phòng chống các cuộc tấn công mạng. Ông Đồng cũng cho biết cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tấn công mạng, đặc biệt cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan đơn vị. Đặc biệt, ông Đồng đề xuất có sự liên kết giữa TP.HCM với các sở TT-TT các tỉnh phía Nam nhằm hình thành mạng lưới bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Ông Đồng cho biết cần có các hoạt động cụ thể như trên vì “bình thường không sao nhưng khi xảy ra sự cố thì rất tốt tiền, rất phức tạp”.
Cũng trong buổi gặp này, nói về an toàn thông tin, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lê Thái Hỷ cho biết, có hai việc quan trọng TP.HCM cần thực hiện, một là nâng cao ý thức sử dụng máy tính, hướng dẫn cách kết nối internet an toàn hàng ngày ở các sở ngành, quận huyện. Hai là, phải có sự đầu tư tập trung của thành phố trong việc đảm bảo an toàn thông tin, vì không đơn vị riêng lẻ nào có thể làm được. Trong buổi gặp có sự có mặt của ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ TT-TT, ông Hỷ đề xuất Bộ TT-TT xác định TP.HCM là trung tâm, phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc huấn luyện, đào tạo đội ngũ an toàn thông tin chuyên nghiệp, đặc biệt luôn luôn túc trực, giám sát và cảnh báo những xâm phạm trái phép, tấn công có chủ đích… để giúp các đơn vị bảo vệ hệ thống thông tin của mình.
Trong phần trình bày trước đó, ông Lê Thái Hỷ chia sẻ, Sở đã trình UBND TP.HCM và năm nay sẽ triển khai một trung tâm kỹ thuật ứng cứu khẩn cấp trên cơ sở những gì TP.HCM đã triển khai được, sẽ hợp sức lại thành một trung tâm để cùng với VNISA phía Nam giúp phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Và đây là điều TP.HCM rất quyết tâm làm.
Ngoài việc thành lập trung tâm ứng cứu an toàn thông tin, ông Hỷ cho biết, đã đề xuất Bộ TT-TT hỗ trợ thành lập một phòng thí nghiệm an toàn mạng cho các tỉnh phía Nam, để đây sẽ là đầu mối xử lý các vấn đề an toàn thông tin mạng khu vực này.
Đồng thời, Giám đốc Sở TT-TT cũng nói thêm, ngành CNTT-TT TP.HCM đang phối hợp với công an và quân đội thực hiện một kế hoạch đồng bộ về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng thời kỳ mới nhằm tham mưu cho UBND thành phố.