Ông Nguyễn Công Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Hà Nội là 6.500 tấn/ngày. Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cũng khá tương đồng với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 7.000 tấn/ngày.
Theo khảo sát của World Bank, thành phần ước tính của chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội gồm: Hữu cơ (51,9%), nhựa và ni lông (3%), giấy và bìa cứng (2,7%), kim loại (0,9%), thủy tinh (0,5%), các chất trơ (38,0%), cao su và da (1,3%), dệt (1,6%)...
Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom chủ yếu được mang đi chôn lấp (98% tổng lượng chất thải rắn thu gom), một phần nhỏ được xử lý bằng cách đốt.
Tại khu vực nội thành, nơi có đủ điều kiện về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và ý thức cộng đồng cao, triển khai chủ trương của Thành phố là đổi mới công nghệ và cơ giới hóa, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt theo cách chôn lấp là 89% và tỷ lệ đốt (không phát điện) là 11%.
Công nghệ ủ phân hữu cơ đã được áp dụng tại khu xử lý Cầu Diễn và Kiêu Kỵ. Tuy nhiên, hai đơn vị này hoạt động không hiệu quả do chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào không cao (chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ không được phân loại triệt để, bị lẫn nhiều các vật cứng như mảnh thủy tinh, mảnh vỡ bê tông, gạch, đá…) dẫn đến chất lượng phân hữu cơ thấp, làm ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm phân hữu cơ. Cả hai cơ sở hiện nay đã bị đóng cửa do không tìm được thị trường đầu ra.
Có thể nói, “hiện nay, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đạt hiệu quả rất thấp. Người dân địa phương không có ý thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Mức phí thu gom, vận chuyển rác được giữ ở mức cố định, cào bằng không làm tăng động lực phân loại rác cũng như hạn chế chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường. Điều này gây khó khăn cho việc tái sử dụng hoặc tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Cần phải có bước đột phá trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt để nâng cao tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và giảm lượng chất thải cần chôn lấp, qua đó có thể bảo vệ môi trường tốt hơn”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cũng lưu ý, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn đang là thách thức lớn. Chất thải rắn sinh hoạt cùng với tỷ lệ chất thải hữu cơ cao và cách xử lý không khoa học góp phần phát thải khí nhà kính và các chất ô nhiễm không khí khác đang ngày một gia tăng. Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt kém hiệu quả không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường mà còn gây ra những rủi ro về sức khỏe cộng đồng và làm tăng sức ép cho các vấn đề kinh tế - xã hội khác”.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, ông Thành đề xuất phương án xây dựng thị trường mua bán chất thải rắn sinh hoạt trực tuyến.
Theo đó, các hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt triệt để tại nhà. Các hộ đặt mua bán chất thải rắn sinh hoạt trên thị trường trực tuyến (qua một ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc qua website) với khối lượng và chủng loại khác nhau. Mỗi loại sẽ được bán cho các nhà máy tái chế, tái sản xuất, tái sử dụng, đốt rác; những người tái sử dụng khác hoặc các cơ sở chôn lấp với các mức giá khác nhau. Các công ty vận chuyển sẽ báo giá và lịch trình vận chuyển cho từng hạng mục chất thải rắn sinh hoạt. Giá mua/bán tuân theo quy luật của thị trường.
“Thông qua hệ thống này, từng loại chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển đến đúng điểm tiêu thụ với mức phí hợp lý, thuận tiện và phương án vận chuyển tối ưu nhất, dựa trên môi trường số. Dựa trên công nghệ số này, người dân có thể mua hoặc bán từng loại chất thải rắn sinh hoạt cho người có nhu cầu. Giống như dịch vụ taxi công nghệ, giao đồ ăn công nghệ, hay thuê xe đạp, người dân sẽ phải trả phí quản lý chất thải rắn sinh hoạt trực tiếp cho các công ty vận tải. Phí này sẽ được tự động trừ vào tài khoản riêng của người dân trong tài khoản ngân hàng. Các nhà máy tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng, các cơ sở xử lý chuyên dụng hoặc bãi chôn lấp có thể mua hoặc bán trực tiếp với người dân theo giá thỏa thuận. Như vậy, hoạt động mua bán chất thải rắn sinh hoạt được vận hành tự động theo quy luật của thị trường và trực tuyến. Nhà nước không can thiệp vào thị trường thanh toán này”, ông Thành diễn giải thêm.
Cùng với đó, ông Thành khuyến nghị, việc tính giá dựa trên khối lượng cho dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất lượng chất thải rắn sinh hoạt sẽ tác động đến hành vi tiêu dùng có trách nhiệm của người dân. Người dân sẽ có xu hướng xả ít chất thải rắn sinh hoạt hơn để tiết kiệm chi phí, vì thế, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sẽ giảm.