Đó là đề xuất của Tiến sĩ Quan Quốc Đăng, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Đăng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển. Kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho phát triển kinh tế của cả nước.
Các ngành kinh tế biển mới có giá trị hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao hướng tới tăng trưởng bền vững được đánh giá là điểm đột phá của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.
Các ngành kinh tế biển mới như điện mặt trời trên biển, điện sóng biển, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển (dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển)... đều là những ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng tài nguyên tái tạo.
Dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở. Dự kiến trong 10 - 15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đều theo hướng nhanh hơn nhờ các yếu tố khoa học công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm môi trường biển, đe dọa sự sinh tồn của hệ sinh thái biển, tác động xấu tới nguồn lợi hải sản, từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.
Đơn cử, một thống kê cho hay, vùng biển Việt Nam có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30 % là chất thải rắn nguy hại chưa có nơi xử lý.
“Trong giai đoạn phát triển, chúng ta cần phải “đi bằng 2 chân” - tức là vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế song cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững. Để phát triển kinh tế biển hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì cần chuyển từ khai thác gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển bền vững, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ từ trong đất liền ra đến biển nhằm giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền”, ông Đăng khuyến nghị.
Khẳng định “phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững”, một số việc cần làm khác cũng được ông Đăng phân tích khá rõ. Chẳng hạn, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển xanh; Lồng ghép các mục tiêu của quản lý tổng hợp vùng bờ và sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển để đáp ứng các thách thức mới nổi trong quản lý tài nguyên, môi trường biển.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cho các hoạt động kinh tế biển xanh, chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển; Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển theo hướng xanh hóa, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, viễn dương; Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành kinh tế biển, bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh.