Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, sau 10 năm triển khai, Luật CNTT đã bộc lộ một số vấn đề còn dở dang, bất cập. Do đó, việc tổng kết đánh giá trên diện rộng là rất cần thiết.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo việc tổng kết thi hành Luật CNTT sáng nay, 21/4, Thứ trưởng Hưng xác nhận có những nguyên nhân khách quan và chủ quan đằng sau những dở dang, tồn tại nói trên. Tuy nhiên, mục tiêu của việc tổng kết 10 năm thi hành không đơn thuần chỉ là "điểm mặt gọi tên" những tồn tại và nguyên nhân. Quan trọng hơn, Bộ TT&TT phải xác định những vấn đề cần quan tâm để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới, làm sao để CNTT thực sự "đi trước, tạo tiền đề" cho các ngành kinh tế - XH khác.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại phiên họp.

Luật CNTT được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Đây là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNTT, định hướng và tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực CNTT phát triển và hội nhập quốc tế, bao trùm lên gần như tất cả các lĩnh vực công nghệ.

Sau 10 năm nhìn lại, ông Hưng cho biết một số phương diện của Luật vẫn có nội hàm rất tiên tiến, hiện đại. Dù vậy, với sự phát triển chóng mặt của CNTT và thực tế, việc rà soát, đánh giá Luật là tất yếu. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện các chính sách, pháp luật với CNTT cho phù hợp với xu thế phát triển mới (Nghị định số 26 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động  thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT).

Triển khai nhiệm vụ Chính phủ  giao, ngày 5/4/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc tổng kết thi hành Luật CNTT năm 2006 nhằm tham mưu, giúp Bộ TT&TT tổ chức tổng kết thi hành Luật CNTT năm 2006.  Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng làm Trưởng ban và 17 thành viên là đại diện lãnh đạo cấp Vụ/ Cục các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ TT&TT. Vụ CNTT là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo.

Chia sẻ về phương án và kế hoạch tổng kết Luật CNTT, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT cho  biết việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc cũng như trong phạm vi từng Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội CNTT, doanh nghiệp lớn có liên quan; Cụ thể, các bên được yêu cầu đánh giá toàn diện các nội dung, quy định của Luật về Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong thương mại và trong một số lĩnh vực; nghiên cứu – phát triển CNTT; phát triển nguồn nhân lực CNTT; phát triển công  nghiệp CNTT, dịch vụ CNTT; đầu tư cho CNTT; hợp tác quốc tế về CNTT; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT; giải quyết tranh chấp; phát hiện xử lý vi phạm trong lĩnh vực CNTT…

Đồng thời, phiếu đánh giá cũng yêu cầu địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp và xác định vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cần điều chỉnh và đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về CNTT (các nội dung cần thay  thế, sửa đổi và bổ sung quy định hiện hành….)

Theo dự kiến, trước 30/4, vụ CNTT sẽ trình phê duyệt và phát hành Kế hoạch, đề cương mẫu báo cáo và hướng dẫn đánh giá. Các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, DN có 2 tháng để tổng kết, gửi báo cáo về Bộ trước 30/6. Ban chỉ đạo sẽ lấy và tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi luật trước 15/7.

Sau đó 1 tháng, vụ CNTT sẽ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật, xin ý kiến các bên liên quan và trước 30/9 sẽ hoàn thiện, trình dự thảo báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

T.C