Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA, cho rằng khi bạo lực gia đình xảy ra không nên đổ lỗi cho nạn nhân vì giải quyết cái sai bằng bạo lực là vi phạm pháp luật
Lời tòa soạn
Bạo lực gia đình được Liên Hợp Quốc gọi là “đại dịch trong bóng tối”. Theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam công bố năm 2020 có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay.
Báo VietNamNet đăng tuyến bài: Sự hồi sinh đằng sau “đại dịch trong bóng tối”
Thấy vợ mình ăn diện, ngày càng trẻ trung, xinh đẹp, người đàn ông cảm nhận “nguy cơ mất vợ” nên điên cuồng kiểm soát, đốt hết quần áo mới của vợ, thậm chí giơ cú đấm với người phụ nữ anh ta yêu thương nhất.
Ngày gặp chuyên gia về giới, người đàn ông này chỉ cúi mặt với cảm giác bất lực. Anh ta thừa nhận rất yêu vợ nhưng không biết giữ vợ bằng cách nào và đã có hành động như vậy, dù rất hối hận.
Sau khi trò chuyện với chuyên gia, người chồng đã thay đổi, nâng hạn mức “ngân hàng tình yêu” của mình với số dư của yêu thương, không kiểm soát, không hành động gây tổn thương người vợ.
Nếu chúng ta có các “trạm” hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi hành vi sẽ giảm bớt nhiều bạo lực trong gia đình.
Đó là câu chuyện của một vị khách trong hàng nghìn ca tư vấn bạo lực gia đình do bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tiếp nhận.
Báo VietNamNet có cuộc trò chuyện với vị chuyên gia này về chủ đề biện pháp giúp ngăn chặn "đại dịch trong bóng tối".
- Xin chào bà, vì sao bạo lực gia đình được Liên Hợp Quốc gọi là “đại dịch trong bóng tối”?
Bạo lực gia đình bị coi là “đại dịch trong bóng tối” vì xảy ra đằng sau tấm rèm, cánh cửa của mỗi gia đình. Những trường hợp thông tin ra ngoài, gây ầm ĩ phải có công an, đoàn thể can thiệp rất ít.
Hằng ngày, bạo lực vẫn âm thầm xảy ra từ bạo lực trên giường, bạo lực kinh tế hay bạo lực thân thể. Câu chuyện bạo lực gia đình có trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam và ở đâu người ta đều tìm cách che giấu.
Việc tố cáo người nằm cùng giường với mình là điều rất khó khăn với mọi nền văn hóa. Nạn nhân của bạo lực gia đình không muốn thoát ra bởi bạo lực không diễn ra thường xuyên. Có những lúc họ vẫn yêu thương thắm thiết, tặng quà. Nạn nhân luôn hy vọng có sự thay đổi và không chia sẻ đau khổ của mình với ai, chấp nhận chịu đựng điều đó.
- Tình trạng bạo lực gia đình tác động, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của gia đình và xã hội?
Bạo lực gia đình để lại rất nhiều hậu quả. Tại Việt Nam, bạo lực gia đình gây thiệt hại 1,8% GDP của cả nước.
Nạn nhân có tâm lý đau khổ, dằn vặt, phấp phỏng, sợ hãi, mất niềm tin vào cuộc sống. Về thể chất, họ đối diện với các vết thương, thậm chí dẫn tới cái chết.
Số vụ bạo lực gia đình do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội báo cáo
Năm
Số vụ
Năm 2023
3.240
Năm 2022
4.454
Đồng thời, những đứa trẻ là nạn nhân hoặc sống trong cảnh bạo lực gia đình lớn lên thường có tính cách hung bạo hoặc sợ hãi, mất niềm tin cuộc sống, trầm cảm, sang chấn tinh thần, các nguy hại sức khỏe.
Còn người gây bao lực thường bất lực với bản thân mình, không biết có cách nào giải quyết mâu thuẫn nên sử dụng bạo lực và kiểm soát người khác. Họ cũng đau khổ, bị chê cười, không nhận được tình thương yêu, kính trọng của các thành viên trong gia đình và dễ dẫn tới hành động nguy hiểm cho sức khỏe như lạm dụng rượu, ma túy.
Qua nhiều năm nghiên cứu về giới, tôi nhận thấy bản thân người gây bạo lực cũng mong muốn chung sống hòa bình, bình đẳng dưới một mái nhà. Nhưng khi có mâu thuẫn, cách giải quyết của nam giới và phụ nữ khác nhau.
Về mặt xã hội, bạo lực gia đình cũng gây ra các rạn vỡ. Cộng đồng cần dành nhiều nguồn lực giải quyết vấn đề này như xây nhà tạm lánh cho nữ giới, các mô hình tư vấn hỗ trợ nam giới, nhân lực giải quyết các vụ việc liên quan.
- Bà đánh giá về công tác phòng chống các hoạt động bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Chúng ta có Luật Phòng chống Bạo lực gia đình đã được sửa đổi nên từ trẻ con đến người lớn ở các vùng miền đều biết đến khái niệm bạo lực gia đình. Tuy nhiên, việc biết và phòng ngừa, thay đổi còn một khoảng cách rất xa.
Hệ thống luật và chính sách kèm theo đã tốt, có cơ quan quản lý cấp nhà nước như Vụ Gia đình, Vụ Bình đẳng giới nhưng việc thực thi ở cộng đồng còn hạn chế.
Lực lượng cán bộ tại cơ sở làm việc, giải quyết các vấn đề bạo lực gia đình còn thiếu kỹ năng. Bạo lực gia đình là bất bình đẳng giới ở mức cao nhất nếu người giải quyết thiếu kỹ năng sẽ khó hiệu quả.
Hệ thống dịch vụ tại nước ta chưa đầy đủ, nơi tạm lánh hạn chế, nơi hỗ trợ nam giới thay đổi hành vi chưa có, các chương trình làm việc với nam giới còn ít, chỉ có hoạt động nhỏ lẻ, chưa bài bản, chuyên nghiệp.
- Theo bà, làm thế nào để nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn lên tiếng?
Mọi người hay đặt câu hỏi tại sao nạn nhân không lên tiếng và khích lệ họ lên tiếng. Tuy nhiên, chúng ta chưa nghĩ điều kiện để lên tiếng:
Bối cảnh bên ngoài không đổ lỗi cho nạn nhân: Thực tế, nhiều người vẫn đổ lỗi cho phụ nữ và cho rằng họ phải có lỗi mới bị chồng đánh hoặc tố cáo xong, nạn nhân gặp nguy hiểm hơn. Vì vậy, họ chọn cách giấu diếm.
Dịch vụ hỗ trợ đầy đủ: Tôi nghĩ, chúng ta nên đặt vấn đề truyền thông thúc đẩy hệ thống dịch vụ bảo vệ nạn nhân và trợ giúp thay đổi hành vi cho người gây bạo lực. Nếu không đủ các dịch vụ như trên thì chúng ta khó có thể đòi hỏi nạn nhân bạo lực gia đình lên tiếng.
- Theo bài, giải pháp nào giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay?
Trong thời gian tới, chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, về thái độ không sử dụng bạo lực khi bất đồng quan điểm, bất đồng ý kiến.
Ví dụ, khi chồng thấy vợ không cùng quan điểm dạy con, song không thảo luận để đưa ra phương án cuối cùng mà lại sỉ nhục hoặc sử dụng vũ lực đánh vợ thì đó là hành vi sai trái. Làm sao để mọi người nhận thấy, không thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, để họ không bao giờ sử dụng bạo lực.
Các chính sách liên quan đến bình đẳng giới cần phải kèm theo những dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho người bị bạo lực ở tất cả các dạng: Có nhà tạm lánh, có hình thức trợ giúp thuận lợi, không phân biệt.
Nam Định: Đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đìnhBằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh hằng năm luôn đạt từ 90-95%.