Tiến sĩ Nguyễn Hải An (Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) lưu ý, cộng đồng nông thôn đang phải đối mặt với các hoạt động quản lý chất thải sai lầm nghiêm trọng như đổ rác lộ thiên, đốt ngoài trời, đổ rác trên sông… do thiếu hoặc tiếp cận kém với các hệ thống quản lý chất thải chính thức.
Đất nông thôn phải hứng chịu quá trình đô thị hóa và các quá trình khác trong kinh doanh nông nghiệp gây bất lợi cho canh tác hữu cơ, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học địa phương. Cộng đồng nông thôn dễ gặp phải các hiểm họa tự nhiên (lũ lụt, hạn hán, xói mòn…) trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bên cạnh các mối đe dọa kinh tế xã hội (suy giảm dân số, nghèo đói, cơ sở hạ tầng kém…).
“Cộng đồng nông thôn được coi là điểm đến của ô nhiễm và cũng là tác nhân gây ra ô nhiễm. Cộng đồng nông thôn góp phần gây ô nhiễm do thiếu sót trong quản lý chất thải sinh hoạt thông qua việc đổ rác bất hợp pháp, đốt ngoài trời và ô nhiễm vi mô và vĩ mô của các vùng nước (môi trường biển và nước ngọt). Mặt khác, cộng đồng nông thôn có nguy cơ bị ô nhiễm thông qua các hoạt động đô thị, công nghiệp và nông nghiệp, nơi các nguồn tài nguyên quan trọng có thể bị ảnh hưởng (tài nguyên nước, đất và môi trường sống tự nhiên), gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế nông thôn quan trọng (nông nghiệp, nông nghiệp - thực phẩm, công nghiệp và du lịch nông thôn) bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Nguyễn Hải An phân tích.
Trong những năm gần đây, kinh tế tuần hoàn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong các nghiên cứu đa ngành, tuy nhiên các nghiên cứu cụ thể liên quan đến cộng đồng nông thôn vẫn còn ít so với khu vực thành thị.
Tại Việt Nam, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được triển khai. Tiến sĩ Nguyễn Hải An nêu một số minh chứng cụ thể cho vấn đề này.
Một là mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC), được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. VAC đã tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải.
Hai là mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp: Sử dụng các phụ phẩm từ trồng trọt (rơm rạ, cây ngô, cây đậu...), rác thải sinh hoạt, phế phẩm từ chăn nuôi (phân lợn, phân gà, phân bò) qua quá trình ủ (bổ sung thêm phân chuồng, lân), phân hủy làm phân bón hữu cơ để chăm sóc, cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng, trả lại độ phì cho đất, canh tác rau hữu cơ và rau an toàn.
Ba là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trồng trọt - Thực phẩm - Chăn nuôi - Phân bón). Chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất.
Tiến sĩ Nguyễn Hải An cũng đã đề xuất một số hướng nghiên cứu nhằm cải thiện dịch vụ quản lý chất thải đối với cộng đồng nông thôn, qua đó giảm nguy cơ sự cố chất thải.
Đối với vấn đề ô nhiễm, chất thải, cần tập trung nghiên cứu những vấn đề như: Ô nhiễm trong đất liên quan đến hoạt động nông nghiệp ở nông thôn và hệ thống quản lý chất thải; Quản lý rác thải nhựa sinh hoạt góp phần gây ô nhiễm môi trường (mối quan hệ đất - không khí - nước - sinh quyển); Hoạt động kinh doanh rác thải bất hợp pháp trong việc gây ô nhiễm đất nông thôn; Chất thải đô thị “xuất khẩu” về cộng đồng nông thôn; Cải thiện hiệu quả quản lý rác thải nông thôn; Hệ thống quản lý chất thải tổng hợp; Chiến lược không rác thải ở cộng đồng nông thôn…
Đối với vấn đề phát triển nông thôn bền vững, cần nghiên cứu những vấn đề gồm: Công nghệ đổi mới và tiết kiệm chi phí trong các lĩnh vực cung cấp nước thải, vệ sinh, năng lượng, thực phẩm thiên về các hoạt động quy mô nhỏ hoặc phi tập trung; Các mô hình hợp tác, sự tham gia của cộng đồng và khuyến nghị chính sách nhằm kích thích kinh tế nông thôn hướng tới phát triển bền vững…