- Chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm khi quả bom môi trường nằm kề sát? - ĐB tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật trăn trở.

Vụ Formosa: Xử trách nhiệm cả người không còn đương chức

XEM CLIP ĐB TRẦN CÔNG THUẬT PHÁT BIỂU:

Phát biểu tại QH về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, ĐBQH Trần Công Thuật chia sẻ nhiều trăn trở về vấn đề ô nhiễm tại miền Trung, trong đó tỉnh Quảng Bình của ông là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Kinh tế điêu đứng

ĐB cho biết, sự cố biển bị nhiễm độc do doanh nghiệp Formosa gây ra đã tác động lớn đến đời sống nhân dân, đến an ninh trật tự xã hội.

“Sự cố này cũng kéo lùi sự phát triển của tỉnh. Trong 4 tháng qua, kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB Phan Ngọc Thọ (Phó chủ tịch thường trực UBND Thừa Thiên Huế) đề nghị Chính phủ tiếp tục giám sát việc thực hiện các cam kết của Formosa, cũng như quản lý các cơ sở kinh doanh sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong cả nước.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố. Cử tri Quảng Bình mong muốn sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về thực hiện chính sách đền bù cho người dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực liên quan. 

Hiện nay một số chính sách này vẫn chưa đến được địa phương và người dân. 

ĐB Trần Công Thuật đề nghị Nhà nước cần công khai, minh bạch xem khoản gì dân được đền bù, cái gì được hưởng từ sự hỗ trợ Nhà nước, cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua.

ĐB cũng nhấn mạnh, sau sự cố vấn đề việc làm, thu nhập, ổn định đời sống lâu dài cho người dân đang là những vấn đề quan tâm hàng đầu, cần phải giải quyết nhanh chóng. 

“Quảng Bình cần sự hỗ trợ toàn diện của Trung ương vì tác động của sự cố này là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài. Dù tỉnh Quảng Bình đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng nhiều mặt vượt quá khả năng giải quyết của tỉnh”, ĐB Trần Công Thuật nói.

Bao giờ biển an toàn?

ĐB Trần Công Thuật cũng cho biết bà con quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân. 

Ông đề nghị cần phải xử lý kiên quyết với những sai phạm của Formosa, nhất là gần đây doanh nghiệp này tiếp tục chôn chất thải bừa bãi, đặt một số ống xả trái phép đã đẩy sự cố này lên mức độ nguy hại hơn. 

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum): Người dân chờ câu trả lời cho câu hỏi "bao giờ biển trở lại sạch như xưa, liệu các sự cố có tái diễn". Nếu câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định, thì cần xem lại sự tồn tại của dự án Formosa.

Chúng ta không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại, cử tri đánh giá cao thái độ của Thủ tướng rằng "không vì kinh tế mà phá hoại môi trường".

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải khẩn trương làm rõ được 3 câu hỏi lớn của nhân dân: Bao lâu nữa thì đánh cá được gần bờ? Khi nào thì bà con yên tâm ăn cá, hải sản được? Khi nào biển, môi trường an toàn trở lại?

“Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không, khi quả bom môi trường nằm kề sát khiến ai cũng lo lắng?”, ĐB tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi.

Ông đề nghị Chính phủ cần phải báo cáo rõ Formosa là ai, cổ đông nào đóng cổ phần vốn để nhân dân biết.

“Trong báo cáo nói 'đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại', hiểu như thế nào trong trường hợp Formosa? Bà con cử tri có gọi điện cho tôi nói rằng đề nghị phải thay câu khác phù hợp hơn. Đây là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt này, như vậy là chưa phù hợp”, ĐB chia sẻ.

Thúy Hạnh